Chủ động các giải pháp trước nguy cơ hạn hán

Với dự báo năm nay nắng nóng sẽ khắc nghiệt hơn so với những năm trước, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp đang triển khai các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có các phương án tính toán tạm ngưng sản xuất ở một số khu vực.

Cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu

Thời điểm sáng 24-4, 18 hồ chứa nước lớn trên toàn tỉnh do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) quản lý khai thác đang có hơn 170 triệu m3 nước/tổng dung tích 212 triệu m3 nước, nhỉnh hơn một ít so với cùng kỳ những năm gần đây. Từ nay đến cuối năm, ngoài việc ưu tiên nước cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp, nhu cầu sử dụng nước chủ yếu phục vụ cho vụ lúa hè thu và vụ mùa. Qua tính toán, lượng nước hiện có cơ bản đủ đáp ứng cho các mục tiêu sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn dự báo, tình hình nắng nóng trên địa bàn tỉnh nhiều khả năng sẽ kéo dài với nền nhiệt cao hơn các năm qua. Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 7, nắng nóng có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng trên diện rộng trong toàn tỉnh. Nhiệt độ trung bình thời gian này phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 - 0,8°C, dao động từ 29-30°C. Tháng 8, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng và khả năng kéo sang đầu tháng 9 nhưng với cường độ giảm dần. Nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,7-1°C. Cơ quan chuyên môn cũng dự báo tổng lượng mưa các nơi có khả năng thấp hơn từ 10-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Do đó, các giải pháp đề phòng nguy cơ hạn hán đang được các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp tính đến ngay từ bây giờ.

Gần 120ha lúa hè thu hưởng lợi từ hồ chứa nước Suối Trầu nhiều khả năng phải tạm ngưng sản xuất.

Nguy cơ thiếu nước cục bộ

Theo kết quả rà soát, cân đối của Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn 470ha lúa hè thu đứng trước nguy cơ thiếu nước sản xuất, chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa. Trong đó, gần 120ha sản xuất lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Quang 2, xã Ninh Tân và Ninh Hưng sử dụng nguồn nước từ hồ Suối Trầu nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, gần 128ha lúa hưởng lợi từ đập dâng Đồng Tròn và hơn 18ha lúa hưởng lợi từ nguồn đập dâng Phước Mỹ của nông dân xã Ninh Hưng cũng đang được tính toán tạm ngưng sản xuất. 60ha lúa của xã Ninh Ích hưởng lợi từ đập dâng Hàm Rồng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tại huyện Diên Khánh, hơn 34,2ha lúa của xã Diên Lộc lấy nguồn nước từ hồ Cây Sung và hơn 111ha lúa của nông dân xã Diên Sơn lấy nước từ hồ Am Chúa cũng không đủ nước tưới.

Theo ông Nguyễn Thái Hùng - Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, việc xác định các diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ thiếu nước được căn cứ trên lượng nước hiện có của các hồ chứa, đập dâng, dự báo tình hình thời tiết trong thời gian tới và nguồn nước cung cấp cho các công trình thủy lợi này. Ngày 24-4, công ty đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các đơn vị dùng nước (UBND xã, hợp tác xã…) tập trung rà soát, đánh giá tình hình nguồn nước và khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước. Từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó thích hợp, nhất là việc khoanh vùng, tạm dừng sản xuất lúa hè thu. Các đơn vị trực thuộc công ty thường xuyên kiểm tra công tác quản lý điều tiết nước tưới cho từng hệ thống kênh mương hợp lý, không để thất thoát lãng phí nước trong thời gian điều tiết nước tưới vụ hè thu năm 2023. Công nhân thủy nông túc trực thường xuyên trên hệ thống tưới được phân công quản lý, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dùng nước để kiểm tra điều tiết lấy nước, sử dụng nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với các đơn vị dùng nước, nhất là hợp tác xã sản xuất lúa, cùng với việc áp dụng các giải pháp về lịch thời vụ, sử dụng giống lúa ngắn ngày, có khả năng chịu hạn cao, việc sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm cũng được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, các địa phương tiến hành nạo vét, phát dọn kênh mương cấp 3 và nội đồng thông thoáng, gia cố, tu bổ các công trình thủy lợi bị hư hỏng gây thất thoát nước do địa phương quản lý để đảm bảo trong công tác điều tiết nước tưới. Việc xây dựng phương án chống hạn, xác định cụ thể vị trí đặt máy bơm nước để phục vụ công tác chống hạn trong trường hợp xảy ra khô hạn cũng đang được các địa phương tính toán, xác định. Đối với diện tích khoanh vùng không sản xuất, công ty đã đề nghị các đơn vị dùng nước tuyên truyền, vận động người dân không tự ý sản xuất, tránh tình trạng bị thiệt hại do không có nước tưới.

Hồng Đăng

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202304/chu-dong-cac-giai-phap-truoc-nguy-co-han-han-48007bd/