Chủ động chống rét cho cây trồng

Để đối phó với nền nhiệt độ giảm sâu, nông dân các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp chống rét cho cây trồng.

Nông dân xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) tưới nước rửa trôi sương muối đọng trên rau.

Nông dân xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) tưới nước rửa trôi sương muối đọng trên rau.

Vừa xuống giống lứa chuối mới thì xảy ra đợt rét đậm, rét hại, gia đình chị Phạm Thị Hường ở thôn Văng Đẹt, xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) nỗ lực giữ ấm cho cây trồng. Với mỗi gốc chuối mô mới trồng, chị Hường phải thuê nhân công làm khung bằng tre, sau đó bọc bao ni-lông chụp kín toàn bộ cây chuối để giữ ấm.

Ngoài chi phí hơn 700 triệu đồng thuê đất, mua chuối giống, phân bón, thuê nhân công đào hố trồng chuối, chị Hường còn phải chi thêm 6 triệu đồng mua bao ni-lông và 15 triệu đồng thuê nhân công làm khung, bọc ni-lông để chụp kín toàn bộ gốc chuối mới trồng.

Chị Hường cho biết: Khi thời tiết rét đậm, sương muối kéo dài, nếu không sử dụng khung bọc ni-lông chụp giữ ấm thì cây chuối non sẽ còi cọc, dễ bị chết. Việc làm này giống như tạo ra các “lồng kính thu nhỏ” vừa giúp cây giữ ấm, chống sương muối, vừa giữ ẩm giúp cây chuối có thể phát triển trong giai đoạn đầu. Khi cây chuối bén rễ, cứng cáp, thời tiết ấm, chúng tôi sẽ bỏ khung chụp cho cây phát triển bình thường.

Trên cánh đồng vụ đông xã Quang Kim (huyện Bát Xát), sau khi đã thu hoạch lứa rau ngắn ngày, nhiều nông dân tiếp tục trồng lứa rau mới. Tuy là cây trồng ưa lạnh nhưng một số loại rau (súp lơ, cà chua, cải bắp…) vẫn giảm năng suất do ảnh hưởng bởi các đợt rét đậm, rét hại và sương muối. Đợt rét đậm vừa qua, nhiều hộ trồng rau ở xã Quang Kim đã hỏng một số diện tích do không kịp thời triển khai các biện pháp chống rét cho cây trồng.

Nhờ kinh nghiệm rút ra từ các vụ trước nên chị Hoàng Thị Thúy ở thôn Làng Kim đã chuẩn bị trấu hun, tro rơm rạ rắc lên các luống rau để giữ ấm gốc, bổ sung phân bón hữu cơ hoai mục, tăng sức đề kháng cho cây. Bên cạnh đó, chị thường xuyên bám đồng, dùng nước tưới rửa trôi sương muối bám trên lá rau lúc sáng sớm trong những ngày thời tiết lạnh sâu. Nhờ thực hiện kịp thời các biện pháp chống rét, diện tích rau của gia đình chị phát triển tốt.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra những đợt không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt độ có thể giảm sâu, các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, người dân cần chủ động chăm sóc giúp cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo, khi xảy ra rét đậm, rét hại, nông dân cần thu hoạch dứt điểm diện tích rau, màu đã đến kỳ thu hoạch. Tưới nước đủ ẩm cho cây trồng trong những ngày mưa, rét đậm, rét hại, băng giá, làm tan sương, tránh hiện tượng cháy lá, táp lá và sương mai. Cần bón bổ sung phân lân, hữu cơ hoai mục, hạn chế bón đạm; phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như Trichoderma, KH, PenacP…; tuyệt đối không gieo hạt vào những ngày nhiệt độ dưới 130C. Nông dân chủ động phương án gieo trồng, nguồn giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ, tăng vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình thời tiết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối gây ra.

Người dân xã Thanh Bình, huyện Mường Khương sử dụng khung chụp ni-lông để giữ ấm cho cây chuối.

Người dân xã Thanh Bình, huyện Mường Khương sử dụng khung chụp ni-lông để giữ ấm cho cây chuối.

Ngoài ra, nên sử dụng ni-lông, rơm, rạ phủ luống và màng che thấp, nhà màng, nhà lưới cho cây vụ đông. Với cây cà chua, đỗ thì cần tỉa thưa cành, nhánh làm bộ tán thông thoáng, hạn chế sâu, bệnh hại; tiến hành thụ phấn nhân tạo, thụ phấn bổ sung cho các loại rau ăn quả như bí đỏ, cà chua trong những ngày nhiệt độ xuống thấp…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364041-chu-dong-chong-ret-cho-cay-trong