Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tác động ngày càng sâu sắc đến báo chí. Bất kỳ ai chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh đều có thể thành 'nhà báo', đưa tin nhanh chóng hơn cả nhà báo chuyên nghiệp.

Một “nhà báo” như thế đi qua khu vực có cây xanh bị cắt tỉa trụi lủi, liền lấy điện thoại chụp ảnh, rồi đăng lên mạng xã hội kèm vài dòng chữ là đã được xem như một bản tin. Nhưng thông tin đó không phải là báo chí. Vì cũng với sự kiện ấy, báo chí vào cuộc sẽ không phản ánh thông tin đơn thuần, mà còn phân tích, lý giải về các nội dung liên quan, ít nhất là lý do cắt tỉa trơ trụi cây.

Cần khẳng định, lâu nay đã có không ít cơ quan chủ động cung cấp thông tin cho báo chí (bằng cách tổ chức họp báo, phát thông cáo báo chí hoặc cung cấp qua trang web, qua mạng xã hội…) để thông tin về các sự kiện, chính sách hoặc về một vấn đề liên quan đến cơ quan, đơn vị mình đang được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng lãnh đạo, người phát ngôn ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương tìm cách né tránh, đùn đẩy hoặc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Trước một vấn đề dư luận xã hội quan tâm, báo chí vào cuộc… nhưng chậm trễ phản hồi sẽ tạo ra “khoảng trống thông tin”. Khi đó, quyền “tiếp cận thông tin” của công dân đã được hiến định (tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013) cũng chưa được đảm bảo. “Khoảng trống thông tin” đó vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các thông tin chưa chuẩn xác, sai sự thật, xấu độc hoành hành. Hệ quả là ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của công chúng và làm giảm vai trò định hướng dư luận xã hội của các cơ quan báo chí.

Thực tế cho thấy, việc chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí sẽ giúp cộng đồng xã hội hiểu rõ, hiểu đúng về hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Mục tiêu cao quý nhất, thiêng liêng nhất của nền báo chí cách mạng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp nhân dân. Mục tiêu ấy luôn song hành với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự phát triển của đất nước. Thấu hiểu như thế, thì sự chia sẻ thông tin kịp thời, đầy đủ là tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát huy tốt vai trò, đưa thông tin để dư luận, người dân được cập nhật kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin. Hơn thế, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc đưa những chủ trương, chính sách sớm đến được với người dân và tạo được sự đồng thuận cao, góp phần thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

“Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí” cũng là đề nghị của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu ra tại hội nghị giao ban công tác báo chí hôm 18-6-2024, để báo chí phát huy vai trò là kênh cung cấp thông tin chính thống cho xã hội trước sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội. Về phía mình, đội ngũ những người làm báo cũng phải không ngừng giữ vững phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” luôn được duy trì.

KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chu-dong-cung-cap-thong-tin-cho-bao-chi-post745581.html