Chủ động điều hành giá trong tình hình mới

Năm 2025, có rất nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới biến động mạnh, tăng giảm đan xen; nhóm vật liệu xây dựng có nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí, công tác giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm và những biến động kinh tế thế giới... tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung hàng hóa, có nguy cơ dẫn đến lạm phát ở mức cao. Để giảm đến mức thấp nhất các biến động bất thường về giá trên địa bàn, các ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý, bình ổn giá, giữ ổn định thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số tiêu dùng toàn tỉnh tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa được thống kê thì có tới 8 nhóm hàng tăng giá, chỉ 3 nhóm ổn định giá. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, bất hợp lý nhưng đã xuất hiện dấu hiệu tăng, giảm giá bất thường và hình thành một mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Chẳng hạn như giá thịt lợn tăng cao trong kỳ tiêu dùng thấp điểm trong khi giá thịt gà, trứng, cá lại đang giảm mạnh và giá gạo sau khi tăng liên tục từ hơn một năm nay thì đang có dấu hiệu chững lại và giảm giá khi vào vụ thu hoạch lúa xuân. Diễn biến phức tạp của thị trường đang ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào sản xuất cũng như công tác quản lý, điều hành giá và ổn định thị trường.

Để chủ động ứng phó với các thách thức trong công tác điều hành giá năm 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước đạt 8% theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương trong năm 2025. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tối đa những cơ chế chính sách của Nhà nước làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như: Chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường theo hướng: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của cấp có thẩm quyền, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm soát, theo dõi sát diễn biến về cung cầu hàng hóa, tình hình giá; có biện pháp xử lý kịp thời các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; có phương án và đề xuất kịp thời với các bộ, ngành liên quan nhằm ứng phó kịp thời, ổn định thị trường khi có biến động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu; định hướng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải... để kịp thời có các giải pháp quản lý, điều hành hợp lý, bình ổn giá trên địa bàn; kiểm soát tốt lạm phát để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sở Tài chính đẩy mạnh thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường để tham mưu cho UBND tỉnh biện pháp điều hành giá phù hợp; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xây dựng, thẩm định phương án giá hàng hóa, dịch vụ; theo dõi việc kê khai giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo quy định của pháp luật. Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và triển khai quyết định của UBND tỉnh về quy định phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương tập trung theo dõi, đánh giá diễn biến thị trường hàng hóa, chủ động phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực thực phẩm, vật tư y tế. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất nông nghiệp, diễn biến thời tiết đánh giá nguồn cung các mặt hàng nông sản để kịp thời tham mưu các biện pháp cân đối cung cầu phù hợp; đôn đốc các doanh nghiệp chế biến gạo tích cực nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho nhân dân. Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh chủ động công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt các mặt hàng thuộc diện kê khai giá như: Xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón… Qua đó phát hiện và xử phạt nhiều đơn vị không thực hiện quy định về kê khai giá, không thông báo bằng văn bản mức giá điều chỉnh cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Từ đầu năm đến nay, qua công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực giá và gian lận thương mại, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý gần 100 vụ vi phạm quy định về quản lý giá với các lỗi như: không niêm yết giá, niêm yết giá không đầy đủ, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, đo lường; hàng hóa vận chuyển không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ.

Chủ động dự báo diễn biến chỉ số tiêu dùng, cung cầu hàng hóa để có biện pháp hợp lý bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10,5% trở lên trong năm 2025.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202503/chu-dong-dieu-hanh-gia-trong-tinh-hinh-moi-3514915/