Chủ động giảm thiểu các sự cố về an toàn thực phẩm

Với phương châm 'phòng là chính', thời gian qua, các địa phương đã thực hiện đồng bộ các hoạt động giám sát nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, các địa phương đã đẩy mạnh việc lấy mẫu sản phẩm thực phẩm để kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố. Qua đó, nâng cao ý thức cho các chủ cơ sở về sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ba Vì kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Giày Trường Xuân. Ảnh: Bình Minh

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ba Vì kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Giày Trường Xuân. Ảnh: Bình Minh

Thường xuyên giám sát và lấy mẫu xét nghiệm

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường, trên địa bàn huyện hiện có 4.099 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để giám sát các mối nguy mất an toàn thực phẩm từ bữa ăn đông người, thức ăn đường phố, từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tiêu hủy thực phẩm các loại trị giá gần 53 triệu đồng, gồm 300kg thực phẩm đông lạnh (100kg mực, 170kg khoai tây, 30kg đậu hũ tôm hùm); 700 gói lương khô mini, 199 gói bánh các loại, 16 gói kẹo bật hình xăm, 58 gói bim bim, 24 chai (loại 500ml/chai) rượu ngâm có màu, 40 lít rượu trắng, 1.008 bánh bông lan; 360,6kg sản phẩm bánh kẹo khác. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn đã duy trì giám sát an toàn thực phẩm tại 528 bữa cỗ tập trung đông người. “Công tác giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm trên địa bàn huyện được tiến hành thường xuyên. Tuyến huyện đã xét nghiệm 15 mẫu (thịt, rau, củ, quả), kết quả cả 15/15 mẫu đạt; xét nghiệm nhanh 204 mẫu và tất cả 204/204 mẫu đạt. Đối với tuyến xã, xét nghiệm nhanh 1.008 mẫu, chủ yếu tại các bữa cỗ tập trung đông người và mẫu thức ăn đường phố và tất cả mẫu đều đạt…”, bà Bùi Thu Hường thông tin.

Còn theo Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, thị xã và các xã, phường đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành và chuyên ngành; các đoàn giám sát an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường và các loại thực phẩm có mức tiêu thụ cao. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 7.946 mẫu xét nghiệm nhanh, thì có 7.412 mẫu đạt, chiếm 93,2%; các mẫu không đạt do còn tinh bột ở dụng cụ ăn uống sau khi vệ sinh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm nào.

“Phòng Y tế cũng phối hợp với HĐND thị xã giám sát, khảo sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 3 trường học, 2 cơ sở chăn nuôi, 6 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 3 lễ hội trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra 1 bếp ăn tập thể trường tiểu học trên địa bàn và phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội giám sát việc triển khai mô hình "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học””, ông Phạm Hùng Sơn cho hay.

Thông qua việc giám sát, lấy mẫu thực phẩm trên thị trường, các địa phương đã kịp thời phát hiện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xử lý đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Qua đó, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là căn cứ để định hướng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các địa phương và phân tích, đánh giá nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, từ đó đưa ra cảnh báo đối với các sản phẩm không an toàn trên địa bàn thành phố.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Nhằm tăng cường công tác giám sát, phát hiện mối nguy mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn lưu thông trên thị trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục thành lập các đoàn thanh tra đột xuất, tiến hành thanh, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm (nếu có). Đối với mẫu thực phẩm lưu thông trên thị trường có địa chỉ sản xuất ngoài địa phương, huyện gửi văn bản thông tin đến Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố có cơ sở sản xuất sản phẩm để thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường, từ nay đến cuối năm 2024, huyện đẩy mạnh các hoạt động giám sát an toàn thực phẩm; 100% sản phẩm thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng lớn, các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm trong quá trình sản xuất, kinh doanh được lấy mẫu kiểm nghiệm thường xuyên, phát hiện các nguy cơ không an toàn thực phẩm. Người sản xuất, chủ các sản phẩm không bảo đảm an toàn được phát hiện qua giám sát sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và được truyền thông, cảnh báo đối với người tiêu dùng biết, không sử dụng thực phẩm ở các cơ sở đó.

Để nâng cao hiệu quả giám sát an toàn thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm cho các đối tượng là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố tại các khu du lịch trên địa bàn, hạn chế mối nguy ô nhiễm thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho khách hàng. Mặt khác, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng hóa đã hư hỏng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-dong-giam-thieu-cac-su-co-ve-an-toan-thuc-pham-674367.html