Chủ động hàng hóa phục vụ tết
ĐBP - Hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ 2 năm qua trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trước khó khăn ấy, các đơn vị, hộ kinh doanh đã chủ động ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa để chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm ổn định thị trường sẵn sàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần tới.
Cùng với đó là xây dựng phương án cung ứng hàng hóa cho các địa bàn dân cư trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị và các điều kiện tu sửa sắp xếp, trang trí lại các cửa hàng, quầy hàng; tổ chức phục vụ các điểm bán ở vùng sâu, vùng xa… Thông thường các mặt hàng dự trữ, tập trung chủ yếu là thực phẩm thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp tết, như: Gạo, thịt lợn, thịt trâu, bò, giò, thủy sản, rau quả, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, thực phẩm chế biến, hoa cây cảnh, hàng điện tử, điện lạnh, xăng dầu, gas, hàng may mặc… Chính vì vậy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên nắm bắt thông tin về thị trường giá cả để tính toán lượng hàng hóa theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trên địa bàn phục vụ để có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn hàng và tổ chức vận chuyển, dự trữ hàng hóa đến tất cả các điểm bán. Đặc biệt quan tâm đến người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực cách ly y tế… đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Người dân tham quan, lựa chọn một số loại gạo đặc sản của Điện Biên được tư thương quảng bá, giới thiệu.
Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cũng như triển khai các biện pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa và phòng chống dịch Covid-19; ngành tập trung theo dõi diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa; phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, đảm bảo không thiếu hàng, gây sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trên nền tảng trực tuyến; đôn đốc và tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu đông dân cư, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục duy trì mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Siêu thị Hoa Ba; hộ kinh doanh Nguyễn Thị Loan, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Huyền; hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Hiện nay các đơn vị đang tập kết, dự trữ nguồn hàng thiết yếu lớn. Riêng mặt hàng xăng, dầu các loại dự ước khoảng 7.000m3 với tổng trị giá ước khoảng 148,5 tỷ đồng. Các mặt hàng khác, như: Bánh, kẹo, rượu, bia, mì chính, nước mắm, dầu ăn các loại, đường, sữa, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, gạo nếp, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm tươi sống… các doanh nghiệp phân phối, các đại lý lớn, các thương nhân cũng đang tập kết nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng dịp tết.
Với các biện pháp phòng chống quyết liệt, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát cùng với việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ là điều kiện thuận lợi để các hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và các dịch vụ tiêu dùng ổn định. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu tổ chức dự trữ vật tư, nguyên, nhiên liệu khai thác nguồn hàng phục vụ tết và việc thi công hoàn thiện các công trình tái định cư trên địa bàn tỉnh giúp tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh. Tháng 11 vừa qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.345 tỷ đồng, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm gần 94%. Giá cả, hàng hóa và dịch vụ trên thị trường ổn định.
Căn cứ diễn biến hàng hóa trên thị trường cũng như tình hình dịch Covid-19, ngành Công Thương theo dõi sát để đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng thường biến động tăng giá trong dịp tết… để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm ổn định thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán. - Ông Vũ Hồng Sơn nhấn mạnh.