Chủ động 'kích hoạt' các phương án ứng phó mùa mưa bão
Chỉ sau một đêm mưa lớn, hàng chục hecta hoa màu ở huyện Hương Khê đã chìm trong nước lũ. Những mái nhà vùng trũng thấp ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên cũng từng nhiều ngày bị cô lập bởi biển nước mênh mông. Đó là những ký ức chưa phai của người dân Hà Tĩnh mỗi khi mùa mưa bão đến.
Mùa mưa bão năm 2025 đang cận kề, Hà Tĩnh - địa phương từng chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai – đang chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro, bảo vệ an toàn cho người dân và ổn định sản xuất.
Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết năm nay sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, với nguy cơ xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét và sạt lở đất.

Hình ảnh trong ký ức người dân Hà Tĩnh khi mùa mưa bão đến
Trước tình hình đó, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống thiên tai từ tỉnh đến cơ sở. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh đã rà soát, cập nhật các kịch bản ứng phó sát với tình hình từng vùng, từng địa bàn trọng điểm.
Các đoàn công tác đã được cử đến kiểm tra thực tế hệ thống đê điều, hồ đập, công trình xung yếu và khu vực có nguy cơ cao. Công tác nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, củng cố bờ vùng bờ thửa…đang được triển khai quyết liệt.
Đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác PCTT & TKCN tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Đặng Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương làm trưởng đoàn đã làm việc với huyện Thạch Hà, đi kiểm tra thực tế tại: Đường Ngô Quyền giao cắt kè sông Cày, tuyến kè sông Cày thuộc dự án AFD thị trấn Thạch Hà.

Kiểm tra vị trí xung yếu của tuyến đê Hữu Nghèn đoạn qua xã Thạch Long (Thạch Hà)
Qua đó, Đoàn ghi nhận, đánh giá công tác chuẩn bị, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Thạch Hà thời gian qua; đồng thời bổ cứu, chỉ rõ thêm các nội dung, phần việc quan trọng để địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, công trình, sản xuất,... nếu thiên tai, bão lũ thất thường xảy ra trên địa bàn.
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Thạch Hà cũng đã ban hành kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ huy, Văn phòng Thường trực; ban hành Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo các địa phương. Huyện xây dựng và phê duyệt các phương án theo quy định, gồm: phương án phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và nguy cơ nước biển dâng do bão; phương án sơ tán dân các khu vực xung yếu ven biển và cửa sông, lũ quét, ngập lụt khu vực sông, nội đồng và hạ du các hồ chứa, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn giao thông và phương tiện đường bộ, đường sông.
Một mũi công tác khác của Đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác PCTT&TKCN tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh dẫn đầu đã có mặt tại huyện Nghi Xuân.

Kiểm tra công trình chống sạt lở bờ biển tại xã Xuân Hội (Nghi Xuân)
Qua kiểm tra, Đoàn công tác đề nghị huyện Nghi Xuân tiếp tục phát huy tính chủ động, linh hoạt để ứng phó với thiên tai; kiểm tra, xem xét, lập phương án phòng, chống, đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập, đê điều; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn; tổ chức sơ tán dân tránh, trú bão, lũ an toàn khi có bão, lũ lớn hoặc siêu bão xảy ra; xây dựng phương án đảm bảo ATGT, ANTT, công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, bão lụt trên địa bàn.
Các ngành từ Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Điện lực, Công an, Quân sự đã xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ” - chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ - để đảm bảo ứng phó hiệu quả và kịp thời nhất. Các lực lượng xung kích cấp xã được tập huấn, diễn tập tình huống cứu hộ - cứu nạn, bảo vệ tài sản cho người dân.

Diễn tập các kịch bản phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Ông Phạm Việt Thắng – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: “Thông qua các kịch bản sát thực tế, lực lượng công nhân điện lực không chỉ được rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, phản ứng nhanh, mà còn xây dựng được bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng hành động trong mọi tình huống khẩn cấp. Thông qua diễn tập, các đơn vị trực thuộc sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau, nâng cao tính thống nhất và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành khi có sự cố xảy ra. Đây là yếu tố then chốt đảm bảo cho việc khắc phục nhanh các sự cố thiên tai”.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức - từ hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến mạng xã hội, phát tờ rơi - nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó thiên tai trong cộng đồng.
Với quyết tâm không để bị động, bất ngờ trước thiên tai, Hà Tĩnh đang nỗ lực từng ngày để sẵn sàng bước vào mùa mưa bão với thế chủ động cao nhất – không chỉ vì tài sản, mà trên hết là vì sự an toàn, bình yên cho người dân nơi đất lửa kiên cường.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chu-dong-kich-hoat-cac-phuong-an-ung-pho-mua-mua-bao-479791.html