'Chủ động nâng cao năng lực dự báo, ứng phó và khắc phục nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của thiên tai đối với phát triển kinh tế-xã hội'

Bước vào mùa mưa bão, với sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết có những diễn biến cực đoan, mưa, lũ, bão không tuân theo quy luật, với cường độ và tần suất lớn hơn. Để chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, phóng viên Báo Vĩnh Phúc đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT về công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Những ngày gần đây, Vĩnh Phúc hứng chịu đợt mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều khu vực ngập úng, giao thông bị chia cắt, cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản và nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Xin đồng chí cho biết cụ thể những thiệt hại do mưa lớn gây ra trong đợt mưa vừa qua.

Đồng chí Hà Văn Quyết: Đợt mưa từ ngày 22/5-31/5 với tổng lượng mưa phổ biến từ 350mm đến 650mm (riêng thị trấn Tam Đảo là hơn 1000mm) đã gây ngập úng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh, cụ thể theo báo cáo nhanh đến ngày 01/6/2022: Toàn tỉnh có 6 người chết, 2 người bị thương; ngập úng cục bộ 33 tuyến đường giao thông nội thị, giao thông bị chia cắt nhiều nơi; sạt lở QL2B lên khu du lịch Tam Đảo; hơn 12.000ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập úng (lúa gần 9.000 ha, màu hơn 2.000 ha, thủy sản hơn 1.000 ha); gần 3.000 con gia súc, hơn 21.000 con gia cầm bị chết... Hoạt động sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn toàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phóng viên: Vĩnh Phúc là địa phương có địa hình khá phức tạp. Xin đồng chí cho biết những khó khăn trong công tác PCTT&TKCN của tỉnh?

Đồng chí Hà Văn Quyết: Vĩnh Phúc là địa phương có địa hình phức tạp, có cả miền núi, trung du, đồng bằng nên việc triển khai công tác PCTT&TKCN gặp nhiều khó khăn. Vĩnh Phúc có hệ thống hồ đập, sông ngòi nhiều, hệ thống trục tiêu nhánh bị ách tắc, bồi lấp, trục tiêu chính nhỏ hẹp, uốn khúc.

Địa hình dốc, chia cắt mạnh trong khi rừng đầu nguồn độ che phủ thấp và chất lượng suy giảm, rừng sản xuất có thảm phủ mỏng, trữ nước kém nên lũ tập trung nhanh, cường độ, lưu lượng lớn. Mặt khác tập quán sinh sống của người dân bám theo sông suối, nhận thức còn chủ quan, nhiều người không rời khỏi vị trí sinh hoạt, sản xuất khi có biểu hiện mất an toàn; thậm chí nhiều người vớt củi, bắt cá khi có lũ mặc dù đã được cảnh báo dẫn đến thiệt mạng đáng tiếc.

Lực lượng ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục tại chỗ mỏng, phương tiện cứu hộ còn thô sơ nên hiệu quả hạn chế. Giao thông chia cắt, dẫn đến lực lượng chuyên nghiệp khó cơ động, tiếp cận hiện trường, không mang được các trang thiết bị, dụng cụ cứu nạn cần thiết, nên công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn. Thông tin liên lạc khó khăn do mất điện lưới; thiếu trang thiết bị thông tin liên lạc, cảnh báo mưa lớn, thiên tai tại cộng đồng...

Hiện nay, ngoài huyện Lập Thạch và Sông Lô tiêu ra sông tả Phó Đáy và sông Lô thì toàn bộ các huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh đều tiêu vào trục tiêu chính sông Phan - Cà Lồ. Địa hình tiêu thoát theo kiểu lòng chảo bị giới hạn bởi các tuyến đê tả sông Phó Đáy, tả sông Hồng và dọc chân núi Tam Đảo nên việc tiêu thoát chủ yếu dựa vào trục tiêu Sông Phan - Cà Lồ chảy ra sông Cầu tại điểm nhập lưu Phúc Lộc Phương địa phận tỉnh Bắc Ninh.

Do hệ thống tiêu tự chảy nên phụ thuộc nhiều vào mực nước Sông Cầu, khi có mưa trên diện rộng mực nước sông Cầu lên cao khả năng tiêu thoát sẽ bị ảnh hưởng, thời gian ngập úng cục bộ bị kéo dài. Hiện nay, để khắc phục tình trạng ngập úng, chủ động trong việc tiêu thoát nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý sử dụng vốn vay nước ngoài làm chủ đầu tư xây dựng 3 trạm bơm tiêu cưỡng bức lớn ra sông tả Phó Đáy (trạm bơm tiêu Kim Xá), ra sông Hồng (trạm bơm Ngũ Kiên, trạm bơm Nguyệt Đức).

Phóng viên: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều diện tích lúa bị ngập sâu trong nước. Để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do mưa lớn gây ra, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Văn Quyết: Sở NN&PTNT đã chủ động chỉ đạo Văn phòng PCTT&TKCN cung cấp thông tin tình hình khí tượng thủy văn trước, trong và sau mưa lũ để cảnh báo tới tất cả các cấp chính quyền địa phương và người dân; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công điện chỉ đạo các sở, ban ngành, huyện, thành phố...; Sở NN&PTNT đã yêu cầu UBND huyện, thành phố, các công ty TNHH MTV thủy lợi thực hiện kiểm tra các các công trình thủy lợi, khơi thông dòng chảy, vận hành thử các trạm bơm tiêu, các cửa van điều tiết của hồ chứa để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Chỉ đạo chính quyền địa phương hỗ trợ bà con thù hoạch lúa và hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Khi có thiên tai xảy ra, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các Công ty TNHH MTV thủy lợi trực 24/24h để vận hành hết công suất các trạm bơm tiêu úng như: Trạm bơm Cầu Mai, trạm bơm Cầu Triệu, trạm bơm Cao Đại, trạm bơm Ruộng Trũng, trạm bơm Đầm Cả, trạm bơm Đầm Láng... giúp giảm ngập úng và giảm thiểu thiệt hại tối đa cho sản xuất nông nghiệp.

Chỉ đạo mở một đoạn kênh chính Liễn Sơn để giảm áp lực cho hệ thống tiêu, giúp giảm ngập úng cho 100ha lúa khu vực xã Đồng Tĩnh; phá đập tràn hồ Dộc Chuối để giảm thiệt hại khi vỡ đập,..;tham mưu điều tiết việc xả lũ của các hồ chứa Đại Lải, Thanh Lanh, Xạ Hương hợp lý để đảm bảo an toàn cho hồ và giảm áp lực lên hệ thống tiêu, giảm ngập úng; điều tiết linh hoạt Cầu Sắt, Cầu Tôn, cống sáu Vó...; bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, tiếp nhận thông tin và thống kê tình hình mưa lũ, thiệt hại; đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ nhân dân khắc phục sau mưa lũ...;

Phóng viên: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng chí cho biết thời gian tới, dự báo thiên tai tiếp tục có những diễn biến khó lường như thế nào? Các địa phương, đơn vị và mỗi người dân cần làm gì để có thể ứng phó một cách tốt nhất các tác động của thiên tai đến sản xuất và đời sống?

Đồng chí Hà Văn Quyết: Do ảnh hưởng của BĐKH nên thời tiết sẽ có diễn biến cực đoan hơn, mưa, lũ, bão không tuân theo quy luật, với cường độ và tần suất lớn hơn, ngập úng nhiều hơn; ảnh hưởng của BĐKH cũng làm nhiệt độ tăng cao vào mùa hè. Để chủ động thích ứng với BĐKH các cấp chính quyền và người dân cần:

Đối với chính quyền: Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên, ứng trực 24/24h để tiếp nhận thông tin trong mùa mưa bão; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành. Cần làm tốt công tác quy hoạch; trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc.

Đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng; làm tốt nội dung lồng ghép phòng chống thiên tai vào kế hoạch, quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng; cải tạo vùng trũng thành các hồ điều hòa giảm áp lực cho hệ thống tiêu; khơi thông các luồng tiêu; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để thông tin đến được với người dân kịp thời.

Nâng cao nhận thức người dân, để người dân biết chủ động phòng tránh; xây dựng kế hoạch di dân đối với những nơi có nguy cơ sạt lở, mất an toàn; chủ động sẵn sàng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ khi có sự cố thiên tai; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, các kịch bản có thể xảy ra; tổ chức diễn tập, tập huấn thường xuyên với các tình huống có thể xảy ra; đồng thời tăng cường trang thiết bị cảnh báo mưa, thông tin liên lạc cho trưởng thôn, trưởng bản, người dân.

Đối với người dân: Chủ động nâng cao nhận thức trong công tác PCTT; cập nhật bản tin dự báo tình hình khí tượng thủy văn trước, trong và sau mưa, lũ để chủ động phòng tránh giảm thiệt hại do thiên tai gây ra; tuyệt đối chấp hành cảnh báo của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn liên quan đến công tác PCTT; thực hiện nghiệm các quy định của Luật PCTT, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi; không vứt rác, xả thải ra hệ thống kênh tiêu, không lấn chiếm hành lang an toàn công trình đê điều, thủy lợi; di dân đến nơi an toàn; sử dụng năng lượng sạch để giảm hiệu ứng nhà kính; không đốt phá rừng; tích cực tham gia trồng cây bảo vệ rừng.

Chuyển đổi sang các mô hình sản xuất và sinh hoạt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, sinh thái mới. Sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày tránh lũ, xây dựng các mô hình nhà tránh lũ, tham gia bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp trước các thảm họa về biến đổi khí hậu…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Huyền-Phương Loan(t/h)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78115/%E2%80%9Cchu-dong-nang-cao-nang-luc-du-bao-ung-pho-va-khac-phuc-nham-giam-thieu-nhung-tac-dong-tieu-cuc-cua-thien-tai-doi-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi%E2%80%9D.html