Chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm

Sau một thời gian tạm lắng, từ đầu tháng 6/2022 dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã phát sinh trở lại tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Bên cạnh đó, qua giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm trên đàn gia cầm bán tại các chợ đã phát hiện có 3 mẫu gia cầm có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng, cơ quan chuyên môn và các địa phương đang tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

 Cơ quan chuyên môn lấy mẫu giám sát vi rút cúm gia cầm tại chợ Đông Hà - Ảnh: L.A

Cơ quan chuyên môn lấy mẫu giám sát vi rút cúm gia cầm tại chợ Đông Hà - Ảnh: L.A

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), ngày 8/6, sau khi nhận được tin báo đàn vịt 10 ngày tuổi của hộ ông Ngô Quang Phi ở tại Đội 1, thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có dấu hiệu bị bệnh và chết rải rác, Chi cục CN&TY đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân vịt chết. Tại thời điểm kiểm tra đàn vịt bị bệnh có các triệu chứng sốt cao, mắt đục, ỉa chảy phân trắng xanh, nghẹo đầu và xoay vòng. Ngày 9/6, Chi cục Thú y vùng III đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm kết luận mẫu lấy tại hộ chăn nuôi của ông Ngô Quang Phi có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm subtype H5N1.

Ông Phi cho biết, trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, tổng đàn gia cầm của gia đình là 330 con gồm 30 con gà và 300 con vịt 40 ngày tuổi. Ngày 29/5, ông nhập về 2.000 con vịt 1 ngày tuổi từ Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội. Đến ngày 2/6 vịt bắt đầu có biểu hiện bị bệnh và chết rải rác. Tuy nhiên, ông tự chữa trị mà không báo cáo dịch bệnh cho chính quyền địa phương. Đến ngày 8/6, khi vịt chết nhiều ông mới khai báo tình hình dịch bệnh cho nhân viên thú y xã Vĩnh Sơn để báo cáo cho cơ quan chuyên môn. Theo ông Phi, trong thời gian từ ngày 2/6 - 8/6 tổng số vịt bị chết, tiêu hủy là khoảng 1.200 con. Đáng chú ý là đàn vịt chỉ mới được tiêm phòng vắc xin viêm gan và dịch tả, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1.

Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm CN&TY huyện Vĩnh Linh Phạm Đăng Tuấn cho hay, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính vi rút cúm gia cầm H5N1, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Sơn tiến hành tiêu hủy 830 con gia cầm còn lại, gồm 800 con vịt 12 ngày tuổi và 30 con gà. Lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm trên 3 đàn gia cầm, gồm 1 đàn vịt 40 ngày tuổi của hộ có dịch (được nuôi tại địa điểm khác) và 2 đàn gia cầm của 2 hộ liền kề. Tổ chức vệ sinh, phun tiêu độc vùng nuôi bị nhiễm mầm bệnh liên tục trong thời gian 7 ngày và phun tiêu độc trên toàn xã; tiêm phòng khẩn cấp vắc xin cúm gia cầm theo quy định cho đàn gia cầm khỏe mạnh trên toàn xã. Đồng thời, theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn gia cầm của xã; nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển gia cầm trong vùng dịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn thông tin, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, UBND huyện Vĩnh Linh đã có quyết định công bố dịch bệnh cúm gia cầm tại xã Vĩnh Sơn từ ngày 8/6. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh cúm gia cầm. Chỉ đạo nhân viên thú y tăng cường kiểm tra đàn gia cầm, kể cả vịt trời, chim bồ câu, chim cút, chim cảnh…, thực hiện giám sát đến tận trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi, quản lý vịt chạy đồng, lò ấp, các cơ sở kinh doanh, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời; rà soát tổng đàn gia cầm hiện có, khẩn trương tiêm phòng bổ sung đàn nuôi mới, đàn gia cầm hết miễn dịch, đảm bảo 100% gia cầm trong diện tiêm phải được tiêm phòng. Tổ chức phun hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, đặc biệt là tại xã Vĩnh Sơn. Yêu cầu các cơ sở, hộ ấp nở gia cầm phải thực hiện cam kết các biện pháp an toàn sinh học; nguồn trứng đưa vào ấp nở phải có nguồn gốc từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, có sổ sách theo dõi nhập trứng giống và xuất gia cầm con.

Theo thống kê của Chi cục CN&TY, vụ xuân năm 2022, đàn gia cầm nuôi tại huyện Vĩnh Linh chỉ mới tiêm phòng được khoảng 20.000 con, trong đó tại xã Vĩnh Sơn chưa tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo kế hoạch. Bên cạnh đó, qua giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm trên đàn gia cầm tại các chợ của huyện Gio Linh, Hải Lăng, TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị trong tháng 5, 6 đã phát hiện có sự lưu hành của vi rút cúm A trên một số đàn gia cầm bán tại chợ.

Đặc biệt, có 3 mẫu lấy tại chợ Đông Hà (2 mẫu) và chợ thị xã Quảng Trị (1 mẫu) có kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Đáng lưu ý, tại thời điểm lấy mẫu, các đàn gia cầm không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, do các đàn gia cầm bán tại chợ được thu gom từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nên việc truy xuất nguồn gốc không thực hiện được. Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An nhận định, nguy cơ bùng phát các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra trong thời gian tới là rất cao do vẫn có sự lưu hành vi rút trên các đàn gia cầm.

Thời tiết giai đoạn hiện nay diễn biến rất phức tạp làm giảm sức đề kháng của gia cầm; người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc; các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm trái phép vẫn chưa được kiểm soát đầy đủ. Trong khi đây cũng là thời điểm người chăn nuôi tập trung vào đàn cho vụ nuôi mới. Đặc biệt, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đạt thấp, chỉ mới hơn 680.000 lượt con trên tổng đàn hơn 3,8 triệu con.

Theo ông An, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng, các địa phương cần tích cực, chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn; chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm đảm bảo đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh gia cầm, đặc biệt là giống gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp nhập, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc.

Đối với người chăn nuôi, ông An đề nghị cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi từ 1 - 2 lần/tuần; địa phương có ổ dịch cúm gia cầm thực hiện tiêu độc khử trùng 2 - 3 lần/tuần; khu vực chuồng trại chăn nuôi có ổ dịch phải thực hiện tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày, liên tục trong 3 - 4 tuần bằng các loại hóa chất như Benkocid, Han-Iodine…

Liên hệ với nhân viên thú y và Trạm CN&TY cấp huyện để được tiêm vắc xin cúm gia cầm theo quy định; tiêm đầy đủ các loại vắc xin khác theo khuyến cáo của cơ quan thú y nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm. Tuyệt đối không mua bán gia cầm giống trôi nổi không rõ nguồn gốc; gia cầm mua từ tỉnh khác về nuôi hoặc giết mổ phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; gia cầm giống phải nuôi cách ly tối thiểu 14 ngày mới cho nhập đàn nuôi.

Thực hiện nghiêm túc việc kê khai đăng ký chăn nuôi với UBND xã, phường, thị trấn để được theo dõi, hỗ trợ. Khi phát hiện gia cầm mắc bệnh chết nhiều không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y cơ sở và Trạm CN&TY để được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân mắc bệnh. Tổ chức tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, chết theo hướng dẫn của cơ quan thú y; tuyệt đối không được vứt xác gia cầm chết ra môi trường để hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169172&title=chu-dong-ngan-chan-dich-benh-cum-gia-cam