Chủ động nguồn cung thực phẩm cho Tết Nguyên đán
So với thường ngày, nhu cầu về thực phẩm cho Tết Nguyên đán tăng cao hơn. Đến thời điểm này, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các HTX …đã sẵn sàng nguồn hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng.
Các mặt hàng thực phẩm, rau xanh đã được các siêu thị, trung tâm thương mại chuẩn bị đầy đủ, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết
Trao đổi với chúng tôi về việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết cổ truyền, ông Mai Viết Bình, quản lý hệ thống chăn nuôi của Công ty cổ phần tập đoàn Mavin cho biết: Năm nay chăn nuôi phát triển khá ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn. Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết cổ truyền, hệ thống trang trại của chúng tôi đã vào đàn từ tháng 8/2021, đến nay lợn đã đủ tuổi và trọng lượng xuất chuồng. Bên cạnh lượng hàng xuất về Công ty theo quy trình, chúng tôi cũng ưu tiên để giành lại một phần cung cấp cho thị trường trong tỉnh, giúp bảo đảm nguồn cung cho dịp Tết cổ truyền, không để xảy ra tình trạng đẩy giá lên cao.
Trang trại gà của ông Nguyễn Văn Hải, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh cung ứng cho thị trường trên 20.000 con gà thịt trong dịp Tết cổ truyềnTheo tìm hiểu của phóng viên, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần DABACO, Công ty TNHH Minh Hiếu; Công ty TNHH Thúy Anh, Tập đoàn CP, CJ…hiện đều bảo đảm nguồn cung thịt lợn; gia cầm, trứng các loại trong dịp này.
Hệ thống trang trại nuôi lợn gia công cho tập đoàn Mavin tại huyện Thanh Thủy bảo đảm đủ cung cấp thịt lợn cho thị trường trong dịp TếtTheo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn của toàn tỉnh đạt khoảng 685,5 ngàn con; đàn gia cầm đạt trên 16,2 triệu con; đàn trâu đạt trên 56 ngàn con; đàn bò đạt trên 105,1 ngàn con; lượng thịt hơi các loại ước đạt khoảng 15,9 ngàn tấn; sản lượng trứng gia cầm đạt khoảng 42,6 triệu quả…. Theo dự kiến, nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán đối với các loại thịt khoảng 15.000 tấn, trong đó cần khoảng 10.000 tấn thịt lợn, trên 2.000 tấn thịt gà, còn lại là các loại thịt khác. Các mặt hàng rau, củ, quả các loại cũng là các loại thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, các vùng trồng rau an toàn đã có kế hoạch gieo trồng các loại rau có nhu cầu cao trong dịp Tết cổ truyền như súp lơ, xu hào, cà chua, khoai tây, cà rốt, cải các loại; rau gia vị….Ông Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc HTX rau an toàn Đỗ Xuyên, xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba chia sẻ: Theo tục lệ cổ truyền, trong bữa cơm ngày Tết, con cháu sẽ dành những gì trân quý nhất để dâng lên tổ tiên. Mâm cơm ngày Tết cũng phải có đủ màu sắc từ màu vàng của thịt, màu xanh của rau, màu đỏ của xôi gấc….Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, HTX đã lên kế hoạch, phân công các thành viên gieo trồng các loại rau, bảo đảm thu hoạch và cung cấp cho thị trường đầy đủ trong dịp Tết. Bên cạnh nguồn thực phẩm tươi sống, một số mặt hàng đông lạnh cũng được các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh lên kế hoạch, chủ động dự trữ, bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
Thành viên HTX rau an toàn Đỗ Xuyên chăm sóc cà chua để kịp thu hoạch, cung cấp cho thị trường vào dịp Tết cổ truyền
Với nguồn thực phẩm khá đa dạng, dồi dào, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, người tiêu dùng để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng được đẩy mạnh. Do vậy, giá cả được dự báo tương đối ổn định, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi mua bán thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.