Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết nguyên đán. Thời điểm này, các cơ sở chăn nuôi, sản xuất các mặt hàng chuyên biệt phục vụ Tết đã sẵn sàng nguồn hàng cung ứng cho thị trường.

Bắt đầu từ 2 giờ sáng, lao động làm việc tại Hợp tác xã Mỳ gạo Thuật Yến, xã Kim Phú (Yên Sơn) đã vào ca. Anh Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, từ cuối tháng 10 âm lịch, đơn đặt hàng từ các đại lý, điểm bán hàng đã đổ về. Bình quân, mỗi tháng đơn vị này xuất bán ra thị trường khoảng 18 tấn bún khô, riêng tháng 11 âm lịch lên đến 26 tấn. Hiện, sản phẩm bún khô của hợp tác xã đã có mặt tại Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng. Tại mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, hợp tác xã đã mở được các đại lý riêng để bày bán sản phẩm, thị trường này chiếm đến 70% đơn hàng của hợp tác xã. Doanh thu của hợp tác xã năm 2018 đạt 3,2 tỷ đồng, năm nay dự kiến đạt khoảng 3,5 - 3,7 tỷ đồng.

Người lao động làm việc tại Hợp tác xã Mỳ gạo Thuật Yến, xã Kim Phú (Yên Sơn)đóng hàng cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Hợp tác xã chăn nuôi gà Hợp Thành (Sơn Dương) cũng đã chủ động hơn 22 tấn gà thịt xuất bán phục vụ Tết Nguyên đán. Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, đàn gà phục vụ Tết được vào đàn từ khoảng tháng 10 dương lịch, so với năm trước, tổng đàn được hợp tác xã chuẩn bị phục vụ Tết tăng gấp đôi, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Riêng nhà anh Hợi đã chuẩn bị hơn 2 vạn con gà thịt để xuất bán dịp này. Giá gà thịt thương phẩm xuất bán tại chuồng hiện đạt trên 60 nghìn đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước.

Do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi nên các cơ sở chăn nuôi đã chủ động tăng sản lượng phục vụ Tết. Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh cá chiên đặc sản Thái Hòa (Hàm Yên) cho biết, đón đầu nhu cầu sử dụng thực phẩm thay thế thịt lợn của người tiêu dùng, 12 thành viên trong hợp tác xã đã vào đàn gần 10 tấn cá các loại, trong số này đã có hơn 5 tấn cá các loại để xuất bán đúng dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, hơn 3 tấn cá chiên được xuất bán với giá 500 nghìn đồng/kg; 2 tấn cá bỗng xuất bán với giá 240 nghìn đồng/kg. Sản phẩm của hợp tác xã hiện đã được cấp chứng nhận VietGAP và được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.

Theo đánh giá của Sở Công thương, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn trong năm 2019 khiến nguồn cung loại thực phẩm này trong dịp Tết sẽ bị thiếu hụt. Để bảo đảm cân đối cung cầu nguồn thịt phục vụ trong dịp Tết sắp tới, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp bình ổn thị trường, có kế hoạch chủ động nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Sở yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tăng cường tham gia chương trình bình ổn giá thịt lợn, qua đó, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và kích cầu tiêu dùng trong dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ban Quản lý chợ, các doanh nghiệp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, nắm bắt việc tăng giá, thiếu hàng, chú trọng nắm tình hình, báo cáo cấp có thẩm quyền để có sự chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, vận động, khuyến khích người tiêu dùng trên địa bàn sử dụng các nguồn thực phẩm khác thay thế như thịt bò, gà, cá... để tránh gây sức ép lên nguồn cung khiến giá cả tăng cao.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/chu-dong-nguon-hang-phuc-vu-tet-nguyen-dan-126717.html