Chủ động nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ các dự án giao thông trọng điểm
Ngày 2/4, Thứ trưởng Trần Quý Kiên và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình thực hiện việc chuẩn bị nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Quang cảnh buổi làm việc.
Để chủ động nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đối với Bình Phước, tỉnh dự kiến lấy nguồn nguyên liệu tại 8 mỏ đang khai thác đá trên địa bàn thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và huyện Hớn Quản.
Về cát xây dựng, Bình Phước không còn mỏ cát xây dựng nào được cấp phép khai thác, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 dây chuyền sản xuất cát nghiền từ đá xây dựng, khối lượng cát còn lại tỉnh dự kiến lấy tại các mỏ cát tại lòng hồ Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Về đất san lấp, tỉnh khai thác 18 khu vực mỏ tại thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Chơn Thành và huyện Bù Đăng.
Đối với tỉnh Đắk Nông, về đất san lấp, tỉnh không có nhu cầu khai thác ở mỏ mà tận dụng đất đào trên tuyến để điều phối. Đơn vị tư vấn lựa chọn cụm mỏ cát xã Quảng Phú, huyện Krông Nô là các mỏ cát đã được cấp phép, có trữ lượng lớn, chất lượng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án. Đối với các mỏ đá, lựa chọn 3 mỏ đá (Hợp Thành Phát, Lực Kỹ, Kim Lan) là các mỏ có vị trí nằm gần dự án.
UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị với Đoàn công tác không tiến hành khai thác thu hồi quặng trong diện tích chồng lấn giữa Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với các khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác và dự trữ bôxít trên địa bàn tỉnh Bình Phước để không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công tuyến đường cao tốc.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, quyết định hình thức hạn chế, cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản chồng lấn với dự án.
Cùng đó, khoanh định chính xác tọa độ khép góc các khu vực sẽ cấp phép để giảm thiểu diện tích chiếm đất bị ảnh hưởng của các dự án khai thác mỏ, đồng thời xác định, loại bỏ các khu vực không chứa khoáng sản hoặc có khoáng sản trữ lượng không tập trung, phân tán, hàm lượng trữ lượng thấp (khai thác không có hiệu quả kinh tế); quyết định việc khai thác hoặc không khai thác khoáng sản bôxít thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm hướng dẫn việc thu hồi bôxít để các chủ đầu tư có thể xác định chính xác lượng đất dôi dư còn lại sau khi thu hồi để điều phối trong nội bộ công trình hoặc cung cấp cho các dự án thành phần còn lại.
Cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam - TKV tổ chức khai thác quặng bôxít tại khu vực chồng lấn đường cao tốc và khu vực lân cận (bị cô lập bởi đường cao tốc) vượt trước trình tự trong thiết kế mỏ. Đồng thời, có giải pháp để đẩy nhanh việc đóng cửa mỏ trả lại đất cho địa phương để triển khai thi công Dự án đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tái định cư và bố trí bãi thải nằm trong khu vực đã khai thác hết trữ lượng bôxít, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường có ý kiến với Bộ Công Thương trong việc địa phương được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mà không cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản tại các khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép ban hành quyết định đóng cửa mỏ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên đánh giá cao việc chuẩn bị thực hiện Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị 2 địa phương hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị, nhà thầu sớm triển khai thực hiện dự án. Đối với các mỏ cát đã hết hạn khai thác, 2 tỉnh cần có cơ chế đặc thù để khai thác phục phụ riêng cho dự án đến khi hoàn thành…