Chủ động nguồn nguyên liệu ổn định để phát triển công nghiệp chế biến

Trong những năm gần đây, các ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy, tạo vị thế mới cho ngành công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến nông sản vẫn chưa được thúc đẩy phát triển như mong muốn do còn nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó đáng kể do thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trong những năm gần đây, các ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy, tạo vị thế mới cho ngành công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến nông sản vẫn chưa được thúc đẩy phát triển như mong muốn do còn nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó đáng kể do thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng.

Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nhiều năm gần đây, lúa gạo và rau màu được đánh giá cao trong đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến; đặc biệt là đã gia tăng nhanh sản lượng lúa và rau màu chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, rau màu nói riêng của tỉnh ta phần lớn ở quy mô nhỏ, phân tán theo hộ gia đình riêng biệt nên không tạo được khối lượng hàng hóa tập trung lớn, chất lượng đồng đều đáp ứng yêu cầu thu mua của các doanh nghiệp chế biến. Trong năm 2019, sản xuất nông nghiệp tỉnh gặp nhiều khó khăn, thiệt hại làm giảm nhiều nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến. Đợt cuối năm 2019, do độ mặn xâm nhập cao nên các diện tích nuôi ngao chịu ảnh hưởng nghiêm trọng; tại nhiều vùng nuôi ngao bị sốc đột ngột, chết hàng loạt do bị nhiễm mặn 40%o khiến các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu. Từ tháng 3-2019, dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát trên toàn tỉnh khiến số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy nhiều làm giảm sút sản lượng lớn thịt hơi khiến các doanh nghiệp chế biến thịt lợn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguyên liệu bù đắp, phải nhập nguyên liệu với giá cao để sản xuất, chưa kể còn bị giảm sâu sản lượng xuất bán do người tiêu dùng dè chừng dịch bệnh, ngại sử dụng thịt lợn. Hiện nay, trong điều kiện thời tiết vẫn còn lạnh, ẩm là nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh rất cao… nên sản xuất chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho chế biến.

Chuẩn bị nguyên liệu để chế biến hải sản khô tại Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy).

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tạo nguồn nguyên liệu tập trung, ổn định, chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh. Trong đó, đã xây dựng quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở cấp tỉnh và xã. Nhờ hoàn thành dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, hầu hết các xã đã quy hoạch được các vùng “cánh đồng lớn” tập trung để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Toàn tỉnh có 83% số xã đã quy hoạch được các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; một số xã đã lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, quy hoạch phát triển làng nghề. Tỉnh đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất tạo diện tích lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Đến nay, đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia thuê gom, tích tụ ruộng đất quy mô lớn với tổng diện tích đất canh tác được tích tụ đạt trên 2.000ha. Điển hình như: Công ty TNHH Cường Tân (565ha), Công ty VinEco (140ha), Công ty Đình Mộc (100ha), Công ty CP Sản xuất và thương mại tổng hợp Xuân Trường (35ha), HTX Thanh niên Tân Tiến, huyện Ý Yên (14ha), Công ty CP Rau Ngọc Anh (10ha)... Với quy mô lớn, doanh nghiệp và người sản xuất có điều kiện đưa cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bổ sung giống cây trồng, vật nuôi chủ lực mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo VietGAP, GlobalGAP; công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... đảm bảo quản lý và truy xuất nguồn gốc nông sản trong trồng trọt, chăn nuôi. Các sở, ngành, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị, tổ chức, bà con nông dân thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản an toàn, có kiểm soát chất lượng thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Trong điều kiện quy mô sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là nhỏ lẻ, các doanh nghiệp chế biến không thể ký hợp đồng thu mua nông sản với từng hộ nông dân, nhiều HTX đã nâng cao vai trò kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân, góp phần giúp các doanh nghiệp chế biến nông sản có thể thuận lợi thu mua lượng nguyên liệu lớn vào cùng một thời điểm. Trong trường hợp hoạt động sản xuất nông nghiệp phải chịu tác động tiêu cực của thiên tai, dịch họa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đều nỗ lực hỗ trợ bà con nông dân thực hiện hiệu quả các biện pháp khắc phục thiệt hại và khẩn trương bắt tay vào phục hồi, tái sản xuất trong điều kiện cho phép để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến. Hiện nay, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”, tỉnh đề ra các giải pháp trọng tâm để nâng cao sự gắn kết giữa ngành công nghiệp chế biến với sản xuất nông nghiệp, tăng tính chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến. Cụ thể, thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với các vùng có hệ thống hạ tầng giao thông và các công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và thu mua nông sản của các doanh nghiệp chế biến. Tiếp tục nắm bắt, khuyến khích các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi trong các thủ tục tiếp cận; quan tâm thúc đẩy các chính sách tín dụng trên lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản. Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ tạo những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tiến tới tự động hóa. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX, doanh nghiệp với các hộ nông dân; tăng cường định hướng cho người nông dân sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp chế biến thay vì chỉ sản xuất những cái mình có để đảm bảo đủ nguồn cung đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến nông sản./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202003/chu-dong-nguon-nguyen-lieu-on-dinh-de-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-2536072/