Chủ động nguồn vật liệu, đảm bảo tiến độ cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Đoàn công tác của Bộ GVTT vừa làm việc với tỉnh Khánh Hòa tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan dự án thành phần cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Đến nay, dự án này mới bàn giao được 83% diện tích mặt bằng, lãnh đạo Bộ GTVTđề nghị địa phương quyết liệt hơn trong giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục cấp phép, đảm bảo đủ nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.
Dự án thành phần cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83km, nằm trên địa phận tỉnh Khánh Hòa. Dự án do Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư. Đến nay, các địa phương đã bàn giao được 83% diện tích mặt bằng. Tổng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường của dự án khoảng 6 triệu mét khối đất đắp, 0,3 triệu mét khối cát. Các nhà thầu được cấp phép khai thác 5 mỏ đất, tổng khối lượng đạt hơn 50% nhu cầu.
Khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn cát. Hiện các mỏ cát tại nhiều hồ thủy lợi đã hết thời gian khai thác hoặc dừng khai thác, buộc nhà thầu phải mua cát từ địa phương khác với giá cao.
Ông Bành Văn Anh, Trưởng Văn phòng Công ty Cổ phần Lizen tại Khánh Hòa cho biết: “Để đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra nhà thầu cũng như các đơn vị thi công cố gắng lấy cát từ các nguồn khác của các tỉnh lân cận. Tuy nhiên về lâu, về dài, các đơn vị thi công kiến nghị tỉnh, các đơn vị liên quan sớm cấp giấy phép khai thác các mỏ trên địa bàn tỉnh để phù hợp quy hoạch cũng như chi phí dự toán đã đề ra.”
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn cát thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa giao các sở, ngành liên quan đẩy nhanh việc gia hạn và cấp phép các mỏ cát tại các hồ chứa như hồ Hoa Sơn, hồ Đá Bàn, hồ Đá Bàn… UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công các khu tái định cư, giao đất tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Mỗi tháng, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp 2 lần về nội dung này, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như những trở ngại về việc cấp giấy phép khai thác các mỏ đất.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa sẽ phê duyệt thêm 2 mỏ đất để tăng thêm khối lượng vật liệu phục vụ dự án. Đối với các mỏ không thể khai thác, tỉnh sẽ cho chủ trương bổ sung điểm mỏ mới nhưng cần cần sự thống nhất của các bên liên quan để thực hiện cơ chế đặc thù.
“Ban Quản lý dự án 7 thấy rằng những mỏ nào không tiếp tục được thì nêu lý do cụ thể để xác định bổ sung các mỏ mới. Tỉnh Khánh Hòa cũng đang vướng, cần Bộ Giao thông- Vận tải, tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư có sự thống nhất giống như xác định 19 mỏ trước đây. Khi đã bổ sung vào thì những mỏ trong số 19 mỏ khi phải được đưa ra ngoài”, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, tỉnh Khánh Hòa đã vận dụng linh hoạt những quy định để xử lý trong việc cấp vật liệu xây dựng, kịp thời đáp ứng cho các đơn vị thi công. Dự án dài đến hơn 83km, nhu cầu vật liệu đất là rất lớn. Do đó, tỉnh Khánh Hòa cần kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo nguồn cung đủ cho dự án, tránh nguy cơ chậm tiến độ. Trường hợp một số chủ đất đòi giá cao khi thỏa thuận với chủ đầu tư, chính quyền các cấp cần hỗ trợ, vận động người dân đồng thuận.
“Có được vật liệu đất đắp thì chúng ta thi công sẽ rất tốt. Nếu vào mùa mưa thì không làm được gì, Phú Yên và Khánh Hòa này thì tháng 9 và tháng 10 bắt đầu vào mùa mưa rồi. Nên rất mong, ngoài 5 mỏ rồi, tỉnh tiếp tục xử lý tiếp 2 mỏ nữa để thi công tranh thủ thời tiết trước mùa mưa năm nay. Còn vấn đề cát nhu cầu không lớn, chỉ có 0,3 triệu khối, gia hạn mỏ cũ, nạo vét lòng sông, đề nghị tỉnh tiếp tục xử lý để có cát cho dự án”, Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải nói.