Chủ động ở lại nước ngoài phòng chống COVID-19
Trước sự lây lan nhanh và tính chất nguy hiểm khó lường của đại dịch toàn cầu COVID-19, nhiều lưu học sinh Quảng Trị quyết định không về nước, ở lại chủ động chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch của trường, của nước sở tại để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng, vừa cố gắng hoàn thành việc học tập.
Quảng Trị có nhiều sinh viên đang học tập tại các trường đại học ở Úc đều chọn cách ở lại để thuận lợi cho việc học tập và có cách bảo vệ mình trước đại dịch. Sinh viên Lê Như Quỳnh, nguyên học sinh Trường THPT Đông Hà, đang theo học năm thứ nhất ngành Quản lý Hàng không của Đại học Griffith, thành phố Brisbane, bang Queensland, Úc cho biết, khi dịch bắt đầu có diễn biến phức tạp, gia đình rất muốn cô về nhưng sau đó lại tôn trọng quyết tâm ở lại của cô.
Như Quỳnh chia sẻ: “Từ đầu tháng 3/2020, việc di chuyển bằng máy về nước có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nếu gặp phải vấn đề không mong muốn sẽ làm ảnh hưởng đến gia đình và địa phương nơi mình sống, càng làm cả nước khó kiểm soát dịch bệnh hơn. Nếu về mà không biết đến khi nào mới qua lại được thì ảnh hưởng đến việc học tập và visa, nên tôi cùng một số lưu học sinh quyết định không về. Ở đâu cũng như nhau cả, quan trọng là ý thức chấp hành của mình trước những khuyến cáo phòng chống dịch của đất nước Việt Nam, của trường và nước sở tại. Tôi tin rằng nếu chúng ta luôn bình tĩnh để có một tinh thần tốt, giữ gìn vệ sinh để bảo vệ sức khỏe thì có thể vượt qua đại dịch này”.
Những ngày này ở nước Úc, Như Quỳnh không ra khỏi nhà, tự nấu ăn vì thực phẩm đã được chuẩn bị đầy đủ trước đó. Cô dành phần lớn thời gian cho việc học online, làm bài tập nhóm online thay vì phải lên trường, đến thư viện như mọi khi. Khi rảnh rỗi thì mở những bản nhạc yêu thích ra nghe để được thư giãn. Vì đang thuê phòng trong một gia đình người bản xứ nên Như Quỳnh luôn cảm thấy yên tâm khi thực hiện giãn cách xã hội, như đang ở với gia đình mình. Hiện nhà trường đang có chính sách hỗ trợ cho sinh viên quốc tế đang ở lại Úc trong thời gian dịch bệnh.
Với sinh viên Đặng Quỳnh Giao, nguyên là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị, đang theo học năm thứ 3 với hai bằng Kinh tế và Toán học tại Đại học St. Thomas, thành phố Fredericton, tỉnh New Brunswick, Canada, thời gian này cô phải chấp hành giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch khác của trường và đất nước Canada. Quỳnh Giao ở trong ký túc xá, học online và ăn tại nhà ăn của trường, hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với người khác. Ký túc xá và nhà ăn của trường vẫn phục vụ học sinh quốc tế chủ động ở lại phòng chống dịch nên sinh hoạt của cô không bị ảnh hưởng nhiều. Vừa thực hiện tốt việc phòng chống dịch, cô còn làm trợ giảng một số môn học cho giáo sư hai ngành Kinh tế và Toán học của trường nên khi nhà trường chuyển sang dạy, học online, Giao ở nhà chấm bài online giúp các giáo sư.
Quỳnh Giao chia sẻ: “Ngay khi dịch vừa mới xảy ra, tôi đã tính toán chuyện nên ở lại hay về nước và nhận thấy có thể thu xếp được để ở lại nên tôi quyết định không về Việt Nam do lo ngại lây nhiễm trong quá trình di chuyển và gây thêm áp lực cho công tác phòng chống dịch tại quê nhà. Mặt khác, tôi ưu tiên việc học nên nếu về Việt Nam thì có một số lớp sẽ phải học và thi online vào những khung giờ không phù hợp với múi giờ Việt Nam. Hơn nữa, cả chính phủ Việt Nam và Canada đều vận động tất cả công dân hạn chế di chuyển để tránh lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng”. Cô cho biết, chính sách phòng chống dịch của chính phủ Canada rất tốt, không phân biệt người có quốc tịch và người nhập cư hay lưu học sinh. Nhà trường cũng có quỹ riêng để hỗ trợ cho học sinh. Một số tổ chức tình nguyện cũng nhận giao thức ăn tươi miễn phí cho những ai không có phương tiện đi mua sắm hoặc người già gặp vấn đề đi lại.
Còn các lưu học sinh nước ngoài tại Nga, COVID-19 cũng làm thay đổi thói quen sinh hoạt cũng như hoạt động học tập của họ. Từ cuối tháng 3/2020, các trường chuyển sang dạy và học online. Sinh viên Nga được khuyến khích trở về nhà, còn sinh viên nước ngoài ở lại ký túc xá. Sinh viên Trần Anh Minh, nguyên học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị đang học năm thứ hai, khoa Quản trị doanh nghiệp, Đại học Tổng hợp tài chính ở Moscow cho biết, anh lựa chọn ở lại Moscow khi dịch bắt đầu bùng phát vì nếu bản thân ý thức và chủ động tuân thủ các khuyến cáo y tế về phòng chống dịch thì ở đâu cũng như nhau. Hiện tại số ca nhiễm COVID-19 ở Nga đang tăng lên rất nhanh mỗi ngày, người dân đang thực hiện giãn cách xã hội từ 1/4/2020 đến hết tháng, anh cùng các bạn lưu học sinh buộc phải ở lại ký túc xá của trường với hơn 1.200 sinh viên quốc tế khác. Nội quy của ký túc xá trong thời điểm có dịch này rất khắt khe nhằm hạn chế tối đa lây lan bệnh dịch trong sinh viên. Khối lượng bài vở được giao để học online tăng lên gấp đôi bình thường nên Anh Minh và các bạn lưu học sinh Việt Nam dành nhiều thời gian hơn cho học tập, không đi ra ngoài nếu không thực sự cần thiết. Mỗi tuần chỉ đi mua thực phẩm một lần với danh sách mua sắm đã lên sẵn để mua nhanh, tránh lưu lại cửa hàng lâu. Nhóm sinh viên của Anh Minh phải tự nấu ăn ở ký túc xá, không ăn tại nhà ăn của trường, nên tránh được tiếp xúc đông người. Trong hoàn cảnh khó khăn này, các sinh viên Việt Nam càng lạc quan, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn về tài liệu học tập cũng như lương thực thực phẩm.
Trần Anh Minh cho biết, trong thời gian này, lưu học sinh Quảng Trị ở nước ngoài đã lập những nhóm trên mạng xã hội để động viên nhau bình tĩnh, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về cách phòng, chống dịch COVID-19. Sinh viên luôn theo dõi chặt chẽ kế hoạch học tập để đảm bảo chương trình, đồng thời bám sát các thông tin về phòng chống dịch từ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để được chủ động về mọi mặt nhằm ổn định việc sống và học tập trên đất khách. Hy vọng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sẽ nhanh chóng ngăn chặn được COVID-19 để các bạn sinh viên có thể nhanh chóng trở lại nhịp sống cũng như quá trình học tập bình thường như trước đây.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147878