Chủ động phân loại rác

Nếu không phân loại, bao nhiêu đồ có thể tái chế thì lại bị đem chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí.

Loa phát thanh của khu dân cư phường Thanh Bình (TP Hải Dương) sáng sớm đã nhắc nhở việc phân loại rác thải tại nguồn. Bà Hòa xách túi rác ra chỗ tập kết đầu ngõ, gặp bà Minh, bà liền bảo:

- Bà thực hiện phân loại rác tại nhà chưa? Tôi thấy lỉnh kỉnh quá.

Bà Minh mang một túi rác to ra đổ rồi cười bảo:

- Bà làm gì mà cẩn thận thế? Gom chung vào một túi cho nhanh. Phân ra rồi đến lúc xe rác đi thu họ lại gom vào. Làm thế cũng bằng hòa.

Nghe bà Minh nói vậy bà Hòa nhắc khéo:

- Bà không biết à? Bắt đầu thực hiện phân loại rác tại nguồn rồi đấy. Do không có chỗ thu gom, xử rác hữu cơ nên thành phố thực hiện phân rác sinh hoạt thành 5 loại là: chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải trơ và chất thải còn lại (gồm chất thải hữu cơ).

Nghe bà Hòa liệt kê 5 loại rác cần phân ra, bà Minh phàn nàn:

- Làm gì mà nhiều loại thế. Phân thành hai loại đã khó lại còn thành từng ấy loại rác. Tôi nghĩ phức tạp thế chả nhà nào làm đâu.

- Không đâu bà ơi! Quy định phân loại rác có rồi. Nếu không phân loại là bị phạt đấy, bà Hòa nói.

Ông Hùng đứng gần nghe hai bà nói chuyện cũng nói thêm vào:

- Bà Hòa nói đúng. Bà không thấy loa phường đọc sáng nay à. Gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt, không dùng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Bà Minh ngạc nhiên hỏi lại:

- Phạt nặng thế hả ông?

- Thật chứ đùa đâu. Nghị định Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực cách đây hơn 1 tháng rồi còn gì. Riêng thành phố mình đặc thù nên phải phân thành 5 loại rác. Nếu mình không phân loại, rác tái chế lẫn với rác thực phẩm thì rất khó xử lý. Bao nhiêu chai nhựa, giấy có thể tái chế lại bị đem chôn lấp, vừa ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí, ông Hùng nói.

Bà Minh nghe đến phạt cũng chần chừ một lúc rồi bảo:

- Nghe cũng có lý… Nhưng phân ra mấy loại thế này chắc mất thời gian lắm.

Bà Hòa nói thêm:

- Ban đầu thì hơi rối thật, nhưng quen thì dễ thôi.

Câu chuyện của bà Hòa và bà Minh thu hút sự chú ý của cô Ngọc, nhân viên thu gom rác, vừa đẩy xe đến đầu ngõ. Nghe hai bà trò chuyện, cô Ngọc góp lời:

- Hai bác ơi, phân loại rác được như thế là tốt lắm đấy! Mỗi ngày chúng cháu gom cả tấn rác, nếu ai cũng phân loại như các bác thì việc xử lý sẽ nhanh hơn nhiều. Mà bãi rác cũng đỡ quá tải!

NGUYỄN LOAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chu-dong-phan-loai-rac-405348.html