Chủ động phòng bệnh thời điểm giao mùa

Bước sang tháng 8, thời điểm giao mùa hè - thu, thời tiết nắng nóng xen lẫn mưa là điều kiện thuận lợi để các loại vi-rút gây bệnh phát triển, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em do sức đề kháng kém và người cao tuổi mắc bệnh mãn tính.

Bà Lương Thị Tình, xã Xuân Hòa (Bảo Yên), 82 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh do huyết áp tăng cao. Bà Tình cho biết: Nắng mưa thất thường khiến tôi mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… Vào bệnh viện, sau khi bác sỹ kiểm tra, chỉ số huyết áp của tôi là 190/100 mmHg.

Theo bác sỹ Nguyễn Quân Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh, thời tiết thay đổi đột ngột là mối nguy hàng đầu với bệnh nhân cao tuổi bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp là bệnh phải điều trị thuốc suốt đời, người bệnh cần uống thuốc đều, bởi huyết áp có thể tăng đột ngột, dẫn đến suy tim, đột quỵ. Người bị cao huyết áp cần có chế độ ăn lành mạnh, ăn nhiều rau, củ, quả; giảm ăn muối, thức ăn nhanh; tăng cường tập luyện thể dục, giữ cân nặng phù hợp, hạn chế uống rượu, bia. Đặc biệt, người dân cần chủ động khám sức khỏe định kỳ và giữ tâm lý, tinh thần thoải mái.

Thời điểm này, tại nhiều địa phương, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, đặc biệt là Hà Nội, các ca mắc đang tăng nhanh. Lào Cai là địa bàn đón nhiều khách du lịch, giao thương thuận lợi nên dịch sốt xuất huyết có nguy cơ xâm nhập cao. Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc từ người sang người, tuy nhiên có thể lây truyền bệnh từ vùng này sang vùng khác trong giai đoạn vi-rút lưu hành và sinh sản trong máu. Thời điểm giao mùa, độ ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và làm gia tăng nguy cơ truyền bệnh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 ca mắc sốt xuất huyết nội địa. Ngành y tế triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết đến từng khu dân cư; thực hiện tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy theo phong trào “Mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng” và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng; thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...

Giao mùa cũng là thời điểm người dân dễ mắc các bệnh như cảm, cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và tái phát các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn hoặc bệnh tim mạch mãn tính. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chu-dong-phong-benh-thoi-diem-giao-mua-post372005.html