Chủ động phòng chống bệnh bạch hầu

Ngày 5/7, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Đến ngày 7/7, một nữ sinh 18 tuổi tại tỉnh Bắc Giang đã dương tính với vi khuẩn bạch hầu do tiếp xúc gần với ca bệnh nêu trên. Trước tình trạng đó, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun hóa chất khử khuẩn tại nhà dân

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun hóa chất khử khuẩn tại nhà dân

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Mặc dù Cục Y tế dự phòng chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với Lạng Sơn nhưng ngay từ khi có thông tin về ca bệnh, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo trung tâm phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang để nắm bắt thông tin, lịch trình di chuyển của các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, đồng thời tham mưu Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa.

Theo đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn. Đồng thời tăng cường truyền thông phòng chống dịch, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý môi trường; khử khuẩn các dụng cụ ăn uống, vệ sinh cá nhân; hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe… cũng như các dấu hiệu của bệnh để người dân chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ mũi tiêm.

Chị Chu Thị Quế, khối 14, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Được các cán bộ y tế phường tuyên truyền về triệu chứng của bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng bệnh, tôi đã đưa con đi tiêm đầy đủ các mũi vắc- xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa và sử dụng dịch vụ phun khử khuẩn toàn bộ 3 tầng nhà để

Người dân đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng tại Phòng khám đa khoa Minh Tuyết (thành phố Lạng Sơn)

Người dân đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng tại Phòng khám đa khoa Minh Tuyết (thành phố Lạng Sơn)

Hữu Lũng là địa bàn tiếp giáp với 4 huyện thuộc tỉnh Bắc Giang (gồm: Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn). Bác sĩ Kim Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hữu Lũng thông tin: Chúng tôi đã quán triệt hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu của Bộ Y tế tới toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh ở trung tâm và 24/24 trạm y tế xã, thị trấn nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai giám sát chặt chẽ và sẵn sàng các phương án xử lý khi phát hiện trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh. Đến thời điểm này, trên địa bàn chưa phát hiện ca bệnh lâm sàng nghi ngờ có liên quan đến bạch hầu.

Cùng đó, các cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp phòng chống bệnh bạch hầu như: giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo ngày; rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vắc-xin, thuốc điều trị kháng sinh dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất…

Tiêm vắc xin được xem là một trong các biện pháp hữu hiệu để phòng, chống bệnh bạch hầu. Theo quy định, trẻ cần được tiêm đủ 4 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng vào tháng thứ 2, thứ 3, thứ 4 (vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bệnh bại liệt hoặc bệnh do HiB gây ra) và tháng thứ 18 (tiêm vắc-xin DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván). Đến thời điểm này, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có trên 90% trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng đầy đủ 8 mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo quy định, trong đó có vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc giám sát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bạch hầu được thực hiện thường xuyên, liên tục, chặt chẽ theo đúng quy định của Bộ Y tế và thực hiện đúng chế độ báo cáo bệnh Truyền nhiễm theo Thông tư 54 ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm là việc làm được cơ quan chức năng của tỉnh chú trọng. Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 9/7, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc hoặc nghi mắc bạch hầu.

Cùng với sự chủ động của ngành chức năng, mỗi người dân, gia đình cũng cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo để giữ gìn sức khỏe của mình và gia đình cũng như cộng đồngn

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng nhằm bảo vệ trẻ và tạo miễn dịch cộng đồng. Những người dân khi có những triệu chứng như: đau họng, ho, khó thở, sốt, mắc chứng viêm họng giả mạc nghi ngờ bạch hầu... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn kịp thời, không được tự ý điều trị tại nhà.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chu-dong-phong-chong-benh-bach-hau-5014292.html