Chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu

Thời gian gần đây, một số tỉnh đã ghi nhận có ca mắc bệnh bạch hầu, trong đó 1 ca tử vong. Tại Sơn La, nhiều năm nay không ghi nhận ca mắc, nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Y tế và các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng (mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh). Thời gian ủ bệnh thường từ 2-5 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân... Bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thuộc nhóm B, do vi khuẩn bạch hầu gây ra, có khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch.

Cán bộ Trạm y tế xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tuyên truyền nhân dân chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu.

Cán bộ Trạm y tế xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tuyên truyền nhân dân chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu.

Chủ động phòng và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu. Theo đó, ngành Y tế thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình dịch bạch hầu trong nước và trong tỉnh, chủ động giám sát phát hiện và xử lý sớm ổ dịch (nếu có). Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo quy định. Đảm bảo hậu cần, thuốc, vắc xin, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Tập huấn, cập nhật kiến thức giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế các tuyến. Riêng các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng tránh lây nhiễm chéo khi có ca bệnh. Các huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ tại Trạm y tế xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ.

Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ tại Trạm y tế xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị San, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, vắc xin phòng bệnh bạch hầu gồm có 3 loại: Vắc xin 5 trong 1 DPT-VGB-Hib (phòng, chống 5 bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em là bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib gây ra); vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) và vắc xin Td (phòng bệnh uốn ván, bạch hầu hấp phụ). Trẻ cần được tiêm đủ 4 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng vào tháng thứ 2, thứ 3, thứ 4 và tiêm mũi 4 khi đủ 18 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi. Đối với trẻ từ 49 tháng tuổi trở lên và người lớn tiêm 2 mũi vắc xin Td cách nhau 1 tháng, không kể tiền sử tiêm chủng vắc xin bạch hầu trước đây, trừ những người mới tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu trong vòng 1 tháng.

Tuy nhiên, vì thiếu vắc xin, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dẫn đến gián đoạn cung ứng và thiếu 1 số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên hơn 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có trên 37,7% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ theo quy định, trong đó có vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Trước tình trạng thiếu vắc xin, Sở Y tế đã báo cáo Bộ Y tế để tháo gỡ, kịp thời cung ứng đầy đủ các loại vắc xin phục vụ chương trình TCMR, nhất là vắc xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) và DPT. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu của các địa phương và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đặt hàng các nhà sản xuất vắc xin. Từ giữa tháng 7/2024 đến nay, việc cung ứng vắc xin cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương. Ngành Y tế đang khẩn trương rà soát và tiêm vét, tiêm bổ sung cho những trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm theo quy định.

Cán bộ Trạm y tế xã Mường Bú, huyện Mường La tuyên truyền người dân các dấu hiệu của bệnh bạch hầu.

Cán bộ Trạm y tế xã Mường Bú, huyện Mường La tuyên truyền người dân các dấu hiệu của bệnh bạch hầu.

Sau khi được Trạm y tế thông báo, chị Mùi Thị Dịu, bản Nà Hiềng, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, đưa con 6 tháng tuổi đến tiêm vắc xin 5 trong 1 DPT-VGB-Hib. Chị Dịu cho biết: Đợt tiêm trước, cháu bị ốm nên chưa được tiêm vắc xin 5 trong 1. Đợt này cháu đã đủ điều kiện tiêm và cũng đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin cơ bản phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ dưới 1 tuổi, gia đình tôi yên tâm hơn.

Nhiều người dân đã chủ động thực hiện các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe. Chị Hoàng Minh Thúy, tổ 2, phường Chiềng Cơi, Thành phố, cho biết: Thấy nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về ca mắc và ca tử vong bệnh bạch hầu ở các tỉnh, tôi khá lo lắng, vì gia đình có cháu nhỏ và có con gái lớn đang học ở Hà Nội. Tuy nhiên, đưa con đến tiêm phòng tại trạm y tế phường, được tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng bệnh, tôi đã yên tâm hơn.

Phòng ngừa, ngăn chặn bệnh bạch hầu, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, địa phương, nhân dân cũng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Nhất là chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà…, góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/chu-dong-phong-chong-benh-bach-hau-JraYZO9Ig.html