Chủ động phòng chống bệnh dại

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 28 ca tử vong do mắc bệnh dại. Đa số các trường hợp tử vong đều không tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương.

Đầu tháng 3/2023, Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn nhận được thông tin từ Trạm Y tế xã Phiêng Pằn có 1 trường hợp nghi mắc bệnh dại. Trung tâm đã cử cán bộ đến gia đình bệnh nhân là ông S.A.Đ, bản Thán, xã Phiêng Pằn, từng bị chó thả rông cắn, nhưng chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Tình trạng bệnh nhân sốt cao, đau đầu, lên cơn co giật kèm theo khó thở. Đoàn đã lấy mẫu bệnh phẩm, hướng dẫn người nhà chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong.

Nhân viên Trung tâm tiêm chủng các loại vắc xin Sơn La tư vấn tiêm phòng bệnh dại cho nhân dân

Nhân viên Trung tâm tiêm chủng các loại vắc xin Sơn La tư vấn tiêm phòng bệnh dại cho nhân dân

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người tử vong vì bệnh dại, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2030.

Trong đó, chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền cách phòng, tránh bệnh dại. Tăng cường quản lý chăn nuôi đàn chó, mèo. Trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh dại miễn phí người bị phơi nhiễm, nghi do chó dại cắn.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, số vắc xin cơ bản không đáp ứng được nhu cầu, nên các cơ sở y tế đã ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng thuộc gia đình hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng…

Từ năm 2019 đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã tiêm 9.000 liều vắc xin phòng chống bệnh dại. Từ đầu năm đến nay, đã tiêm miễn phí 123 liều cho đối tượng nghi bị động vật dại cắn.

Bà Đặng Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Bệnh dại là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Virus dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. Thời gian ủ bệnh dại ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác thông qua vết cắn.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương. Trung tâm khuyến cáo, người bị nghi ngờ phơi nhiễm với chó dại cắn cần được tiêm vắc xin - huyết thanh phòng bệnh càng sớm càng tốt, tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà, không sử dụng thuốc nam...

Cán bộ Trạm Y tế xã Hua Trai, huyện Mường La, xử lý vết thương cho bệnh nhân.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hua Trai, huyện Mường La, xử lý vết thương cho bệnh nhân.

Trên địa bàn tỉnh ước tính có khoảng 200.000 con chó, mèo. Ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, chó thường nuôi theo đàn và thả rông, trong khi đó thời điểm nắng nóng virus dại rất dễ phát triển.

Trước thực tế trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đôn đốc cơ quan chuyên môn tại các huyện, thành phố tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh dại chó, mèo tập trung. Đồng thời, tuyên truyền lồng ghép về mối nguy hại từ bệnh dại, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi.

Bác sỹ thú y Bệnh viện thú y Sơn La tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Bác sỹ thú y Bệnh viện thú y Sơn La tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, trường hợp người bị chó, mèo cắn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán chó, mèo và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi động vật. Khi phát hiện hay nghi động vật bị dại cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó, mèo bị dại.

Các cơ sở y tế cần bảo đảm đầy đủ nguồn vắc xin, huyết thanh, đáp ứng việc phòng ngừa, điều trị cho người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn...

Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/chu-dong-phong-chong-benh-dai-lvLgLawVR.html