CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH MÙA MƯA, BÃO

Cuối tháng 5, cả nước cơ bản bước sang mùa mưa. Mưa làm cho không khí dịu mát, giải quyết tình hình khô hạn nhiều tháng qua, nhất là trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ và ven biển Nam Bộ.

Đặc biệt, mưa sẽ giúp bà con nông dân khôi phục và phát triển sản xuất, cung cấp nước cho các công trình thủy điện. Tuy nhiên, vào mùa mưa, bão thường phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm, như: Sốt xuất huyết, thương hàn, tả, đau mắt, viêm đường hô hấp, cảm cúm, sởi và các bệnh về da.

Hai tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện 9 ổ dịch sốt xuất huyết ở 9 phường, xã với gần 6.700 ca mắc phải đến bệnh viện điều trị (có 3.749 ca điều trị nội trú). Tại một số tỉnh, thành phố nước ta cũng có nhiều người bị các bệnh ngoài da, bệnh tay-chân-miệng và đường tiêu hóa... phải điều trị tại bệnh viện. Chi phí để chữa các loại bệnh trong mùa mưa rất tốn kém, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Nhân viên y tế xử lý giếng nước bằng hóa chất khử khuẩn tại vùng "rốn lũ" của tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hữu Trung/TTXVN).

Nhân viên y tế xử lý giếng nước bằng hóa chất khử khuẩn tại vùng "rốn lũ" của tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hữu Trung/TTXVN).

Thực tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt, bùn, đất, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường, các loại vi sinh vật sinh sôi, nảy nở, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Rác thải và xác động vật chết trong mưa, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Không những vậy, mưa, bão còn làm cho nhiệt độ và môi trường sống thay đổi, dễ gây bệnh cho người già và trẻ nhỏ.

Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường và vệ sinh nơi công cộng, nhà cửa của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Mọi người đã có ý thức trong phòng, chống dịch (PCD) bệnh, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Song điều đáng lo ngại là do quá trình sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển nên tình trạng ô nhiễm kênh rạch, sông ngòi và môi trường sống của chúng ta ngày càng nhiều. Khi gặp mưa bão, ô nhiễm sẽ tán phát đi khắp nơi và là nguồn gây bệnh cho con người. Không những thế, ý thức bảo vệ môi trường, PCD bệnh của người dân ở một số nơi chưa cao, còn tư tưởng chủ quan, coi thường.

Để PCD bệnh trong mùa mưa, bão hiệu quả, người dân cần phải thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng thực phẩm sạch, phối hợp với nhân viên y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt, kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm. Trong giai đoạn hiện nay, ngoài các biện pháp PCD Covid-19, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, không chủ quan, lơ là, ngay cả khi các trường hợp mắc bệnh đang giảm.

Người dân tích cực PCD, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt những hướng dẫn về PCD bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế và chính quyền các địa phương, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi tập trung đông người cần chủ động triển khai các hoạt động phòng bệnh, như: Giám sát, xử lý điểm nguy cơ, truyền thông ngay cả khi các ca bệnh giảm, đồng thời có phương án xử lý hiệu quả, nhanh chóng ngay khi dịch mới bùng phát. Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ tốt sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ nguồn lực lao động sản xuất và làm việc, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.

PHÚ HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chu-dong-phong-chong-benh-dich-mua-mua-bao-619180