Chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm từ sớm, từ xa, có phương án ứng phó kịp thời
Ngày 26-12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch năm 2025.
PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.
Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm cho biết, trong năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 141 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, 28 ca tử vong; hơn 76,3 ngàn ca bệnh tay chân miệng, không có ca tử vong; hơn 287,5 ngàn ca bệnh cúm mùa, 8 ca tử vong, tất cả đều giảm mạnh so với năm ngoái.
Đáng lưu ý trong năm 2024, tình hình dịch bệnh sởi có diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở khu vực phía Nam như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau. Cả nước đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi. Số ca tử vong do bệnh dại là 84, tăng 2 ca so với năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến gia tăng một số bệnh truyền nhiễm trong năm 2024 là do tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Công tác quản lý đối tượng tiêm chủng gặp khó khăn, có hiện tượng anti vaccine. Ngoài ra, việc quản lý đàn chó mèo, tiêm phòng cho đàn chó mèo đạt thấp là nguyên nhân dẫn đến bệnh dại gia tăng.
Bộ Y tế dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu với các yếu tố nguy cơ do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế.
Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, bệnh cá nhân khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non nên nguy cơ gia tăng số mắc.
Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.
Bệnh dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp. Người dân vẫn chủ quan, lơ là khi không tiêm phòng dại và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn.
Bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người như Mpox tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc với các biến chủng mới. Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do virus trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, bài học về đại dịch Covid-19 vẫn còn nguyên giá trị, là lời cảnh tỉnh với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Để ngăn ngừa các loại dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội. Đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành y tế, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025; nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng.