Chủ động phòng, chống cháy nổ dịp tết

ĐBP - Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm của các hoạt động buôn bán, sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thời điểm người dân tham gia hoạt động tâm linh và thường đốt vàng mã, thắp nến, thắp hương. Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Trước thực tế trên, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Cán bộ Phòng PCCC&CNCH kiểm tra công tác PCCC của hộ kinh doanh tại chợ Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.

Chợ Trung tâm 1, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ hiện có 84 gian hàng với 380 hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh, buôn bán. Càng những ngày giáp tết, số lượng người mua, người bán và hàng hóa càng nhộn nhịp, đông đúc. Nhằm chủ động phòng, chống cháy nổ xảy ra, ngoài chuẩn bị tốt các phương tiện chữa cháy, như: bình xịt PCCC, xe đẩy bình PCCC, téc nước… thời gian này, Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn tiểu thương kinh doanh tại chợ nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định về phòng chống cháy nổ; không tự ý kéo thêm dây điện, bắt bóng điện chiếu sáng tại quầy, ki-ốt; dẹp bỏ việc cơi nới, lấn chiếm để hàng hóa ngoài quầy kinh doanh, lấn chiếm lối đi, đồng thời tự trang bị bình xịt cùng một số phương tiện PCCC tại chỗ như bùi nhùi, câu liêm, xô, chậu...

Không riêng chợ Trung tâm 1, theo ghi nhận của phóng viên, tại hầu hết các chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, thời điểm này, lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đều đã cơ bản được nhập về, dự trữ với số lượng lớn. Công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được xác định là nhiệm vụ then chốt thời điểm này, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ của bất kỳ một người dân nào cũng có thể dẫn tới hậu quả khó lường. Do đó, từ ngày 3/12/2021 đến 20/01/2022, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với công an cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra quản lý điện, nước cùng thiết bị, dụng cụ PCCC; rà soát, sửa chữa hệ thống điện tại các ki-ốt chợ… Qua kiểm tra đã kiến nghị các hộ kinh doanh, ki-ốt tại chợ khắc phục các thiếu sót về PCCC.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 6.000 cơ sở, doanh nghiệp thuộc diện phải quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Trong số này, có khoảng 305 cơ sở, doanh nghiệp có nguy hiểm cháy nổ cao. Gần Tết Nguyên đán là thời điểm thời tiết hanh khô, trong khi đó, các cơ sở sản xuất, chợ, trung tâm thương mại tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu, lượng người tham gia mua bán rất lớn, làm tăng nguy cơ cháy nổ. Thêm vào đó, việc sử dụng lửa, điện, khí đốt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp tết tại các gia đình cũng tăng cao so với thời gian trước. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, có thể gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Thượng tá Thiều Xuân Vương, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, đơn vị đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong đó tập trung cao độ triển khai nhiệm vụ, thực hiện nghiêm trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo về lực lượng, phương tiện chữa cháy, phương tiện cứu nạn, cứu hộ; rà soát, chỉnh lý các phương án xử lý cháy, nổ lớn cần huy động nhiều lực lượng tham gia, nhất là phương án phòng cháy, chữa cháy tại các chợ, siêu thị, khu vui chơi giải trí. Song song với đó là tăng cường công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo không để xảy ra sự cố, hỏng hóc khi thực hiện nhiệm vụ. Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Phòng PCCC&CNCH sẽ tổ chức ứng trực 100% quân số theo quy định. Cùng với đó, 3 xe chữa cháy; 3 máy bơm, 1 xe cứu nạn, cứu hộ, 1 xe thang luôn đảm bảo trong tình trạng sẵn sàng triển khai.

Tuy nhiên, để công tác PCCC thật sự đạt hiệu quả thì không chỉ là sự cố gắng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và chính quyền địa phương, mà còn từ chính những người đứng đầu các cơ sở, tổ chức và từng cá nhân trong các hộ gia đình. Bởi, không phải là do may rủi, hay “trời kêu ai đấy dạ” như người dân vẫn thường hay bảo nhau, mà nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy xảy ra trên địa bàn thời gian qua hầu hết là do người dân bất cẩn, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng điện, các thiết bị đun nấu và sơ suất trong sử dụng lửa. Điển hình như vụ cháy ki-ốt chợ Noong Bua vào ngày 4/3/2021, làm cháy 12 ki-ốt, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do hệ thống điện lắp đặt tại ki-ốt nơi bắt nguồn vụ cháy đã xuống cấp, trong khi đó, chủ ki-ốt chưa thực hiện đúng nội quy PCCC của UBND phường và Ban quản lý chợ Noong Bua nên dẫn đến chập điện.

Trước thực tế trên, để khắc phục những nguyên nhân gây cháy, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần chú ý các nguồn sinh nhiệt như hệ thống ga, vệ sinh sạch sẽ bình ga, dây dẫn đến bếp ga... để tránh bị rò rỉ. Với hệ thống điện, cần kiểm tra nghiêm ngặt, dây dẫn được đấu nối chặt, không bị ôxy hóa, cầu dao, ổ cắm không lỏng lẻo để tránh tình trạng phóng tia lửa điện do đấu nối không chặt. Riêng trung tâm thương mại, các chợ, các hộ buôn bán tại gia đình không sắp xếp hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi, phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng PCCC và thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong dịp tết phải phân công người trực cũng như sẵn sàng, kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra, hạn chế được cháy lan, cháy lớn... Cùng với tinh thần chủ động, sẵn sàng của lực lượng PCCC, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện tốt công tác PCCC để đón một cái tết trọn vẹn, ý nghĩa và an toàn.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/193950/chu-dong-phong-chong-chay-no-dip-tet