Chủ động phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội xuân đang tới gần. Hiện cũng là giai đoạn chuyển mùa từ đông sang xuân, thời tiết luôn thay đổi bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi có tiền sử bệnh nền.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội xuân đang tới gần. Hiện cũng là giai đoạn chuyển mùa từ đông sang xuân, thời tiết luôn thay đổi bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi có tiền sử bệnh nền.
Thời gian gần đây, thông tin về Trung Quốc đối mặt đợt bùng phát dịch bệnh hô hấp mới, 5 năm sau Covid-19 là Virus Human Metapneumovirus (HMPV) đang làm quá tải bệnh viện khiến người dân lo lắng. Chị Bùi Thu Hằng, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chia sẻ: Mới đây, thông tin về vi rút HMPV ở TP Hồ Chí Minh khiến chúng tôi hoang mang, gia đình có người già mắc bệnh cao huyết áp và trẻ nhỏ nên càng thêm lo ngại. Qua các phương tiện truyền thông thông tin không nên quá lo lắng với loại vi rút này, chúng tôi cũng phần nào yên tâm.
Bác sỹ CKI Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC tỉnh) cho biết: Dịch bệnh thường có dấu hiệu bùng phát mạnh vào dịp cuối năm là do nhu cầu đi lại, tham quan du lịch và việc buôn bán giao thương của người dân giữa các vùng, các địa phương tăng đột biến. Trong khi giai đoạn này thời tiết luôn có những diễn biến bất thường và tình trạng dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn. Trong đó, các căn bệnh đáng lo ngại nhất vẫn là viêm đường hô hấp, cúm mùa. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do virus Influenza lây nhiễm vào mũi, họng và phổi. Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch hoặc chưa có đáp ứng miễn dịch. Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vắc xin cúm nhắc lại mỗi năm. Đối với vi rút HMPV - đây là loại vi rút thông thường, không phải loại nguy hiểm, vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng bệnh như các bệnh đường hô hấp khác. Khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… cần hạn chế đến nơi đông người hoặc nơi công cộng để tránh lây nhiễm sang người khác. Đồng thời, nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cần đeo khẩu trang...
Theo thống kê về dịch bệnh truyền nhiễm của CDC tỉnh, trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 122 ca mắc sốt xuất huyết; 4 ca sởi; 109 ca tay chân miệng; 172 ca bệnh do vi rút Adeno; 4.434 ca cúm; 559 ca thủy đậu; 1.603 ca tiêu chảy… Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 4031, ngày 17/12/2024. Theo đó, chỉ đạo CDC tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; chủ động thực hiện hiệu quả công tác giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát tại cộng đồng. Tiếp tục tổ chức triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo tiến độ và độ bao phủ vắc xin. Thực hiện tốt việc phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh... Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành các đơn vị thú y, chính quyền địa phương các cấp tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm các bệnh lây truyền từ động vật sang người và chia sẻ thông tin để phối hợp điều tra, xử lý kịp thời ổ dịch. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các bệnh thường xảy ra trong thời tiết khí hậu mùa đông xuân…
Bộ Y tế cũng ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT, ngày 6/1/2025 về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2025; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết. Tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng...