Tôi là Thu Phương, chồng tôi là Quang Hiếu, cùng sinh năm 2000. Chúng tôi vừa kết hôn vào tháng 11/2024. Dịp cúng Táo quân năm nay là "thử thách" đầu tiên của cả hai sau khi về chung một nhà.
Để có thời gian cúng lễ chu đáo, vợ chồng tôi xin nghỉ làm sáng nay, cùng nhau dậy sớm, đi chợ gần nhà mua những nguyên liệu thật tươi để nấu mâm cúng.
Dù muốn tự tay chuẩn bị tất cả song với những thứ như gà cúng, cả hai vẫn chưa đủ tự tin. Bởi vậy, mua sẵn là phương án hợp lý. Nhìn con gà được làm sẵn đẹp mắt, chúng tôi chỉ biết cảm thán sự tiện lợi của những dịch vụ như thế này trong cuộc sống hiện đại.
Thấy hàng đào đẹp, vợ chồng tôi mua sớm để có không khí Tết trong nhà. Cố gắng mặc cả, tôi vẫn không được giảm chút nào so với giá 130.000 đồng ban đầu. Chủ quầy cho biết do mưa bão, đào năm nay không nhiều nên không thể bán rẻ hơn.
Việc đi chợ mua đồ cúng lễ Tết không phải việc xa lạ nhưng lần này mang nhiều cảm xúc khác biệt. Có lẽ đây là một trong những dịp nhắc nhở rằng chúng tôi đã là một gia đình nhỏ, chính thức phải tự lo liệu cho tổ ấm.
Được cô bán hàng nhiệt tình tư vấn, chúng tôi chọn 3 con cá vàng nhỏ xinh, giá 50.000 đồng. Tôi không rõ có bị mua "hớ" không hay đây là một mức giá hợp lý trong ngày này.
Vì nhà chỉ có hai vợ chồng, chúng tôi sẽ không mua quá nhiều bánh kẹo Tết, chủ yếu để thắp hương và mời khách tới chơi. Về phần biếu tặng, có lẽ chúng tôi sẽ cân nhắc các set quà Tết đóng gói sẵn hoặc các thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Loanh quanh cũng mất cả tiếng đồng hồ, chúng tôi cần nhanh chóng trở về chuẩn bị nốt. Đang khệ nệ xách đồ giúp vợ, chồng tôi vẫn tủm tỉm cười khi nhớ lại lúc ở chợ được cô bán hàng khen đẹp đôi, "nhìn là biết vợ chồng son".
Ở nhà, tôi là "đầu bếp" chính còn chồng sẽ chịu trách nhiệm rửa bát, lau nhà, dọn dẹp. Anh hay bảo mê cơm tôi nấu, nhất là món thịt kho tàu, trứng cuộn, làm tôi có thêm động lực nấu cơm nhà.
Đang phụ tôi nhưng có việc gấp, chồng mang cả máy tính ra phòng khách để vừa xử lý, vừa sẵn sàng nhận chỉ thị từ "đầu bếp", dù tôi nói có thể tự lo liệu. Tôi làm về truyền thông, chồng làm về IT, chúng tôi cũng đã quen với việc có công việc bất chợt như thế này.
Trong lúc chờ đồ cúng, "gia chủ" tranh thủ ôn lại bài khấn từ cuốn văn khấn mẹ chồng tôi mua giúp. Trước khi kết hôn, anh từng cùng bố khấn ở nhà song hôm nay là lần đầu anh phải tự mình hoàn thiện.
Công đoạn chuẩn bị dần hoàn tất. Với những người trẻ như chúng tôi, đây là một trong những dịp để hiểu thêm về phong tục, văn hóa dân tộc và góp phần gìn giữ chúng.
Một "sự cố" nhỏ xảy ra với phần gà cúng. Chủ quán vốn chuẩn bị sẵn một bông hồng để cài vào miệng gà. Ban đầu tôi cho rằng cài theo chiều dọc nên cắt ngắn bông hoa, song sau đó thấy sai sai nên lại cài ngang. Thấy tôi lóng ngóng, chồng vừa bật cười, vừa trêu chọc.
Hôm nay, ngoài gà và giò, xôi mua sẵn, tôi tự tay chuẩn bị những món còn lại, chủ yếu là các món truyền thống như nem rán, rau củ xào, canh và trứng cuộn.
Để đảm bảo mọi thứ đã đầy đủ, chúng tôi gọi điện cho "tổ tư vấn" là bà nội để nhờ bà kiểm tra lại. Được bà khen mâm cúng đẹp, ngon mắt, tôi "nở cả mũi".
Vợ chồng tôi quan niệm mâm cúng có thể không quá cầu kỳ hay cao sang nhưng phải đầy đặn, chỉn chu để thể hiện tấm lòng thành. Với mâm cúng ông Công ông Táo đầu tiên này, chúng tôi thấy khá hài lòng và tự hào về bản thân.
Hóa vàng là công đoạn không thể thiếu trước khi đi thả cá tiễn ông Táo về trời. Một điểm cộng khi ở chung cư là có khu vực hóa vàng riêng dưới sân, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Địa điểm mà chúng tôi lựa chọn thả cá vàng là ở một ngôi chùa gần nhà.
Sau khi xin phép sư thầy ở chùa, cả hai vừa nhẹ nhàng thả cá, vừa cầu ước một năm mới khỏe mạnh, bình an cho bản thân và gia đình.
Vậy là chúng tôi đã hoàn thành "thử thách" cúng ông Công ông Táo đầu tiên với tư cách một gia đình nhỏ. Nói dễ không hẳn dễ, nhưng cũng không quá khó để có thể ghi nhớ và thực hiện.
Sau ngày 23 tháng Chạp, chúng tôi có thêm tự tin để chuẩn bị mâm cúng giao thừa đang cận kề. Hy vọng năm sau, cả hai sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị được tươm tất, chu đáo hơn.
Thế Bằng - Ánh Hoàng