Chủ động phòng, chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm khiến nhiều người không kịp thích nghi, nhất là ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, việc mỗi người chủ động bảo vệ sức khỏe cũng rất quan trọng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận các ca bệnh lưu hành như: bệnh chân tay miệng 15 ca, cúm A 96 ca, quai bị 30 ca, thủy đậu 24 ca, 831 ca sốt xuất huyết (trong đó thành phố Tuyên Quang là 826 ca, huyện Yên Sơn 3 ca, huyện Hàm Yên 2 ca)...
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ngày qua mỗi ngày tiếp đón hàng trăm người đến khám và điều trị, trong số đó có đến trên 60% người đến khám về đường hô hấp và mắc các bệnh truyền nhiễm. Đa số các bệnh nhân đến khám có triệu chứng như sốt cao 39 - 40oC kèm theo tình trạng đau đầu, mỏi người...
Chị Dương Thị Mùi, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, mấy ngày trước, chị thấy người mệt mỏi, bị tiêu chảy, sốt cao nên đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sỹ chẩn đoán chị bị sốt xuất huyết. Sau 1 tuần điều trị, đến nay sức khỏe của chị đã dần ổn định.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Hiện đang là thời điểm giao mùa, vi rút phát triển mạnh, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa tăng cao. Số lượng bệnh nhân khám và điều trị tại khoa tăng khoảng từ 30 - 40%, trong đó có nhiều bệnh nhân cúm A, sốt xuất huyết... Tuy nhiên, trong quá trình khám nếu bệnh nhân nhiễm cúm thể nhẹ đến khám, chúng tôi hướng dẫn về điều trị, cách ly ở nhà theo chỉ dẫn. Đối với bệnh nhân sốt cao lâu ngày, nhất là bệnh nhân có bệnh lý nền thì cần đến khám, điều trị tại cơ sở y tế. Cần tuân thủ thông điệp 5K, không tự ý truyền dịch ở nhà, không tự mua kháng sinh không có chỉ dẫn của bác sỹ...”.
Để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch, ngành y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân; thông qua đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn, tổ dân phố và kết hợp tuyên truyền qua hoạt động khám, chữa bệnh; thành lập các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Mạnh Hùng cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Một số bệnh truyền nhiễm tại địa phương đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là dịch sốt huyết trên địa bàn thành phố vẫn chưa giảm (mỗi ngày ghi nhận vài chục ca mắc mới). Thêm vào đó là nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài vào nội địa như đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác.
Vì vậy, đơn vị đã chủ động chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế và cộng đồng để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Đơn vị đã xây dựng phương án, kịch bản đáp ứngvới tình hình dịch bệnh Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ, các bệnh truyền nhiễm khác; đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch như: kiện toàn đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch từ tuyến tỉnh đến huyện, xã; tổ chức tập huấn chuyên môn về công tác giám sát, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác... Đồng thời, đảm bảo vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất sẵn sàng tiếp nhận cách ly điều trị các dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngoài những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế, mỗi người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường sống; hạn chế đến nơi đông người; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.