Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa

Các tỉnh Đông Nam Bộ mới vào đầu mùa mưa nhưng một số báo cáo và số liệu bước đầu cho thấy, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi... được ghi nhận số ca nhập viện tăng cao so với cùng kỳ.

Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vừa công bố số ca tay chân miệng ở các tỉnh Nam Bộ từ đầu năm đến nay tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉnh Đồng Nai ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết. Tại TP Hồ Chí Minh, số ca tay chân miệng ghi nhận hơn 6.200 ca, riêng tuần đầu tháng 6 ghi nhận 581 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 26% so với trung bình 4 tuần trước; số ca sốt xuất huyết giảm mạnh. Ngành y tế nhiều địa phương đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm và đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch (PCD).

Bác sĩ khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Bác sĩ khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống

Mùa mưa cùng đặc thù mạng lưới kênh rạch chằng chịt, nhiều ao hồ, khu vực trũng thấp đọng nước ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã tạo môi trường sinh sôi, phát triển mạnh các loại muỗi vằn, kiến ba khoang, côn trùng-tác nhân gây lây lan, bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Để chủ động đối phó với cao điểm dịch truyền nhiễm mùa mưa năm nay, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp PCD, trong đó chú trọng giám sát dịch tễ, giám sát tác nhân, môi trường gây bệnh, ổ dịch, cập nhật dữ liệu dự báo dịch. Hoạt động PCD truyền nhiễm trong các trường mầm non, nhóm trẻ, trường học, cộng đồng dân cư được triển khai đều khắp. Thành phố cũng đã ra quân tháng cao điểm về xây dựng môi trường sống xanh, các quận, huyện đồng loạt tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 14 năm 2024... Sở Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động phương châm "3 sạch": Ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch; công bố ứng dụng “Y tế trực tuyến” phân tích thông tin dịch bệnh...

Bài học đắt giá từ những đợt bùng phát dịch của nhiều năm trước cho thấy, nếu không có sự chủ động phòng, chống từ đầu mùa mưa sẽ gây nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh, gây quá tải cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong cao. Y văn ngày nay vẫn chưa có loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm mùa mưa. Điều đó đồng nghĩa với việc để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát đòi hỏi phải nâng cao sự chủ động PCD từ hệ thống cơ sở y tế và người dân. Kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh trong PCD thời gian qua được đánh giá cao là nhờ phát huy đồng bộ nhiều giải pháp và nâng cao năng lực PCD từ cơ sở. Các tổ dân phố thành lập những tổ phản ứng nhanh PCD truyền nhiễm, các tổ, đội diệt lăng quăng; tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở thực hiện các biện pháp PCD ở từng khu dân cư, tổ dân phố...

Các chuyên gia y tế cho rằng, không có một giải pháp riêng rẽ nào để PCD hiệu quả mà cần hội tụ sự đồng bộ của nhiều giải pháp chủ động ngay từ đầu mùa mưa. Như vậy, muốn công tác PCD hiệu quả phải bắt đầu từ cơ sở, với sự chung tay của ngành y tế, hệ thống chính trị và người dân ở mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

ĐẶNG BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chu-dong-phong-chong-dich-benh-mua-mua-780696