Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi
Trước tình hình thời tiết trong vụ đông xuân dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Để chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán, anh Nguyễn Thành Được ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng vừa thả nuôi hơn 1.000 con gà ri lai giống Toàn Tiến. Những ngày gần đây, khi thời tiết bắt đầu chuyển rét, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, anh đã dùng bạt che phủ toàn bộ chuồng trại, tăng nhiệt độ trong chuồng nuôi bằng việc lắp thêm bóng đèn sưởi chuyên dụng. Thực hiện tiêm phòng vắc xin theo đúng phác đồ mà cán bộ thú y đã hướng dẫn. Theo anh Được, để gà phát triển tốt cần sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, cho ăn đúng khẩu phần và phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng định kỳ. Đồng thời, bổ sung thêm các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hóa, khoáng chất… để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, định kỳ cần phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh để đề phòng dịch bệnh.
Là hộ có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Sỹ cũng ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng luôn tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống đói, rét cho đàn bò 5 con của mình. Ngay từ đầu mùa đông, ông đã chủ động che chắn chuồng trại, trồng thêm cỏ voi, chuẩn bị rơm rạ để làm thức ăn dự trữ. Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cán bộ thú y để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc khi mùa đông đến. Ông Sỹ cho biết, ngoài dự trữ rơm rạ, ông còn tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn ủ chua. Chuẩn bị thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, bột sắn để cho gia súc ăn khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Chuồng trại cũng đã được che chắn, gia cố đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ướt nền chuồng. Hằng ngày vệ sinh chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, khô ráo. Không thả rông đàn bò vào những ngày mưa rét hoặc nhiệt độ xuống thấp. “Những năm trước, mỗi khi nhiệt độ xuống quá thấp tôi còn đốt lửa để sưởi ấm cho đàn bò”, ông Sỹ cho hay.
Huyện Hải Lăng hiện có tổng đàn trâu, bò hơn 5.700 con, đàn lợn hơn 23.500 con và gần 579.000 con gia cầm. Trạm Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) Trần Quốc Lượng thông tin, một trong những nguyên nhân chính gây thiệt hại cho đàn vật nuôi là sự chủ quan, thiếu chuẩn bị chu đáo của người chăn nuôi về chuồng trại, thức ăn dự trữ, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng trong mùa đông. Do vậy, để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, Trạm CN&TY đã phối hợp với các địa phương trong việc thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết, hướng dẫn, đôn đốc hộ chăn nuôi thực hiện phòng, chống đói, rét cho vật nuôi tại các cơ sở, hộ chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát tổng đàn, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi, đặc biệt là đàn vật nuôi mới và những địa bàn có tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp.
Trước dự báo vụ đông xuân năm nay sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, Chi cục CN&TY đã chủ động xây dựng và triển khai phương án phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Phân công cán bộ địa bàn phối hợp với các địa phương thường xuyên rà soát đàn gia súc, gia cầm để tổ chức tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn nuôi mới, đàn chưa tiêm và tổ chức tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh. Hướng dẫn hộ chăn nuôi che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do vào những ngày rét đậm, rét hại; đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát và chuẩn bị thêm thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An lưu ý, để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, hộ chăn nuôi cần chủ động cải tạo, gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng. Tăng cường sưởi ấm cho vật nuôi bằng các biện pháp như thắp bóng điện công suất lớn, ủ trấu, đốt lửa, làm chuồng úm cho lợn con theo mẹ... trong những ngày rét đậm, rét hại. Dự trữ đầy đủ thức ăn, cho ăn đúng khẩu phần, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng đối với từng loại vật nuôi. Cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm các vitamin tổng hợp, đường glucose, men tiêu hóa để nâng cao khả năng chống bệnh cho vật nuôi. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hằng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; thay hoặc bổ sung chất độn chuồng để tránh nền chuồng bị ẩm ướt trong những ngày mưa rét. Không được thả rông trâu, bò vào những ngày mưa rét, không để trâu bò bị ướt lông. Nếu nhiệt độ xuống quá thấp nên mặc áo chống rét bằng bao tải, áo rơm hoặc chăn cũ... để giữ ấm cho trâu, bò. Trâu, bò ở những vùng có sử dụng cày kéo khi xuống vụ, có thời gian làm việc vừa phải, tăng cường chế độ ăn bồi dưỡng. Những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C nên giữ trâu bò tại chuồng và không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời. Đối với gia cầm nhỏ khoảng 20 - 30 ngày tuổi chỉ nên thả vườn khi nhiệt độ ngoài trời trên 16 độ C, trời tạnh ráo. Đối với lợn thì không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. “Cùng với sự tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, hộ chăn nuôi cũng cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết để có biện pháp ứng phó. Tránh để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết do đói, rét, gây thiệt hại về kinh tế”, ông An lưu ý thêm.