Chủ động phòng, chống đói rét cho gia súc

ĐBP - Để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực dự trữ thức ăn, sửa chữa, che chắn chuồng trại và tăng cường chất dinh dưỡng cho vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do giá rét gây ra trong vụ đông xuân 2021 - 2022.

Chị Nguyễn Thị Thắng, đội Thanh Bình B, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) chăn dắt đàn bò tại các bãi cỏ gần nhà.

Xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) có đàn trâu, bò lớn với 1.863 con trâu và 447 con bò. Hầu hết người dân các thôn, đội trên địa bàn xã đều chăn thả trâu, bò tại các đồi cỏ gần biên giới Việt - Lào. Trước đây khi xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, người dân không kịp dẫn gia súc về nhà tránh rét khiến nhiều con trâu bò bị chết rét.

Ông Quàng Văn Pâng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luông cho biết: Những năm gần đây, khi thời tiết chuyển sang mùa đông, UBND xã phát thông báo trên loa truyền thanh và cử cán bộ xã đến từng thôn bản thông báo người dân đưa trâu, bò từ các bãi chăn thả trên rừng về nhà tránh rét; không thả rông gia súc khi thời tiết lạnh dưới 120C. Đồng thời hướng dẫn hộ chăn nuôi cách che bạt chắn gió, gia cố, sửa chữa chuồng trại, cách chăm sóc, sưởi ấm, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Cùng với việc giữ ấm thì phải chuẩn bị đủ nguồn thức ăn, do đó sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, người dân thu gom, dự trữ rơm rạ, trồng thêm cỏ voi và ngô sinh khối để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong suốt mùa đông. Đặc biệt, trong các buổi tuyên truyền, xã luôn nhấn mạnh việc các hộ gia đình có trâu bò chết rét chỉ được hỗ trợ khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu về công tác phòng, chống đói rét theo các tiêu chí của huyện, tỉnh. Nhờ đó đến nay toàn xã đã có trên 80% hộ gia đình có chuồng trại kiên cố, 100% gia đình dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Bước vào mùa đông năm 2021, chị Nguyễn Thị Thắng, đội Thanh Bình B, xã Thanh Luông đã chủ động đưa 5 con bò từ bãi chăn thả về nhà tránh rét; chuyển từ chế độ chăn nuôi thả rông sang chế độ chăn dắt.

Chị Nguyễn Thị Thắng cho biết: Đàn gia súc là tài sản lớn của gia đình nên tôi rất chú trọng chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và chống rét trong mùa đông. Tôi đã quây bạt kín chuồng nuôi để giữ ấm cho đàn bò. Để chủ động nguồn thức ăn, vụ mùa năm 2021, tôi thu, phơi khô rơm rạ làm thức ăn dự trữ; dành khoảng 100m2 trong vườn nhà để trồng thêm cỏ voi; mua dự trữ thêm cám, muối… Ngoài ruộng, tận dụng khoảng thời gian nghỉ giữa 2 vụ lúa, tôi trồng 1.000m2 ngô sinh khối làm thức ăn cho đàn bò. Những ngày thời tiết ấm tôi dắt cho bò ăn cỏ tại các bờ ruộng, những ngày trời rét dưới 120C, tôi nuôi nhốt ở nhà, cho bò uống thêm nước cám, muối, một số ngày phải đốt thêm lửa để sưởi ấm cho đàn bò.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để người chăn nuôi chủ động các phương án phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trong đó yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền cấp xã tập trung tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc như: Thu gom, dự trữ rơm, rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô; tận dụng thân cây ngô, sắn, các cây họ đậu, ngọn mía, cỏ trồng để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua... Đồng thời, tận dụng đất trống xen giữa 2 vụ lúa nước (sau khi thu hoạch lúa vụ mùa), đất 1 vụ lúa, đất bãi, đồi, đất trồng trọt kém hiệu quả... để trồng ngô sinh khối, trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc, đảm bảo lượng thức ăn dự trữ bình quân từ 5 - 7kg/con/ngày trong những ngày giá rét. Hướng dẫn hộ chăn nuôi khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi trong mùa đông; thực hiện vỗ béo gia súc gầy yếu, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, không nên nuôi lưu đàn quá lâu nhằm giảm bớt lượng thức ăn và hạn chế thiệt hại khi rét hại xảy ra; không chăn thả gia súc trong thời gian rét đậm, rét hại.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định năm nay mùa đông sẽ lạnh hơn, rét đậm, rét hại xuất hiện sớm, từ trước ngày 25/12 và tập trung nhiều trong thời kỳ từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022. Trong đó tháng 1/2022 sẽ có khoảng 4 - 5 đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại diện rộng từ 4 - 6 ngày. Do đó việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc sẽ giảm thiểu thiệt hại, góp phần duy trì và phát triển tổng đàn gia súc trên địa bàn.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/192556/chu-dong-phong-chong-doi-ret-cho-gia-suc