Chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) vừa có chuyến kiểm tra thực tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT-TKCN kiểm tra thực địa tại hệ thống đê bao An Sơn (TP. Thuận An)

Chú trọng các công trình

Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại 3 công trình trên địa bàn TP.Thuận An, gồm: Hệ thống kênh tiêu Bình Hòa, đê bao An Sơn và hệ thống cống ngăn triều Bình Nhâm. Theo đánh giá, công trình cống ngăn triều Bình Nhâm được thực hiện đáp ứng yêu cầu của địa phương trong giải quyết ngập úng cho khu vực nội đồng với diện tích vùng được bảo vệ trên 200ha. Đối với công trình đê bao An Sơn đang nâng cấp trải nhựa, mở rộng mặt đường để bảo đảm lưu thông, phát triển giao thông của vùng. Hệ thống thoát nước kênh tiêu Bình Hòa thực hiện góp phần quan trọng giải quyết tiêu thoát nước cho Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, bảo đảm ổn định sản xuất cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, góp phần hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng tiêu, thoát nước trên địa bàn TP.Thuận An.

Theo ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, Bình Dương không bị ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra giông, lốc xoáy, ngập do mưa lớn, ảnh hưởng triều cường, xả lũ hồ các hồ chứa quốc gia ở một số khu vực trũng ven sông… Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 trận thiên tai, thiệt hại về tài sản khoảng 54,6 tỷ đồng và 3 người chết. Chỉ tính riêng trong 7 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 trận mưa kèm theo dông, lốc gây thiệt hại về tài sản khoảng 1,16 tỷ đồng.

Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, đoàn thể và địa phương bị thiệt hại đã khẩn trương triển khai thực hiện việc hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Năm 2021, đã thực hiện hỗ trợ 19,33 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho 970 hộ dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất nông nghiệp với kinh phí gần 1 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 20 công trình PCTT mua sắm trang, thiết bị phục vụ PCTT-TKCN với kinh phí 18,21 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay đã thực hiện hỗ trợ cho 5 hộ dân sửa chữa khẩn cấp các công trình PCTT với kinh phí 11,314 tỷ đồng.

Chủ động ứng phó

Theo ông Lê Cảnh Dần, công tác PCTT-TKCN là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách, được tập huấn để xử lý, ứng phó với các tình huống. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ PCTT-TKCN các cấp đều hoạt động kiêm nhiệm, số lượng biên chế ít chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cùng với đó, bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện Trị An và thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chưa được Bộ NN&PTNT xây dựng, phê duyệt gây khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Quy hoạch PCTT khu vực Đông Nam bộ chưa được lập, gây khó khăn việc xây dựng phương án phát triển hệ thống đê điều, phân cấp trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả của thiên tai, ngành nông nghiệp đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về PCTT trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện tổ chức, bộ máy và quản lý sử dụng Quỹ PCTT tỉnh. Tổ chức diễn tập cấp xã nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ và nhận thức của người dân trong công tác PCTT.

Ngoài ra, tổchức kiểm tra các công trình thủy lợi, công trình PCTT, đặc biệt là công trình hồ chứa, đê bao, sớm phát hiện hư hỏng, sửa chữa, gia cố kịp thời. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tham mưu cho cho cán bộ làm nhiệm vụ PCTT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, tổ chức thực hiện trực ban, theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai, mưa, bão, lũ, triều cường, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, tham mưu báo cáo lãnh đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống.

Trao đổi tại buổi kiểm tra, ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Bộ Y tế nhấn mạnh, để chủ động công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, với phương châm lấy phòng ngừa là chính.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Qua công tác kiểm tra của đoàn đã chỉ ra được những vấn đề còn hạn chế, từ đó giúp các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của tỉnh khắc phục và sẽ làm tốt hơn nữa. Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN tỉnh tiếp thu các ý kiến của đoàn kiểm tra để có những định hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

THOẠI PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chu-dong-phong-chong-giam-nhe-thiet-hai-do-thien-tai-a277032.html