Chủ động phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe cho người bệnh

Trước đợt rét đậm, rét hại kéo dài, các bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống rét để bảo đảm sức khỏe cho bệnh nhân khám ngoại trú cũng như điều trị nội trú, nhất là đối tượng người già và trẻ nhỏ.

Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt với người bệnh ung thư do hệ miễn dịch suy giảm... Trước vấn đề này, song song với siết chặt công tác phòng, chống dịch, Bệnh viện K đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả để chống rét, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân trong điều kiện thời tiết lạnh giá kéo dài. Cây nước nóng, quạt sưởi được bố trí thuận tiện tại khoa và sảnh điều trị để người bệnh, người nhà thuận tiện trong sinh hoạt. Trước đợt rét đậm, rét hại này, cùng với những nhà hảo tâm, bệnh viện đã trao tặng, cung cấp thêm hơn 300 chiếc chăn ấm cho người bệnh. Tại các khoa đặc thù điều trị bệnh nhân nặng, hệ thống điều hòa hai chiều, chăn ấm... liên tục được bật và bổ sung đầy đủ để giữ ấm cho bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh viện đã thực hiện cung cấp suất ăn theo bệnh lý đến tận phòng bệnh phục vụ bệnh nhân nặng, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

 Khu vực chờ khám của bệnh nhân tại Bệnh viện K được trang bị quạt sưởi. Ảnh: HÀ TRẦN

Khu vực chờ khám của bệnh nhân tại Bệnh viện K được trang bị quạt sưởi. Ảnh: HÀ TRẦN

Chia sẻ với chúng tôi, chị Mai Thanh, Phó trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Mặc dù Bệnh viện Bạch Mai có nhà lưu trú phục vụ người nhà bệnh nhân nghèo với giá 20.000 đồng/người/ngày đêm nhưng trên vỉa hè dọc trục đường A9, nơi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân cấp cứu từ các tỉnh chuyển đến từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều người nhà người bệnh. Lực lượng bảo vệ thường xuyên vận động người nhà vào nhà lưu trú nghỉ để tránh rét, bảo đảm sức khỏe và giữ gìn tài sản cá nhân, nhưng vì lo lắng cho sức khỏe của người thân đang cấp cứu nên nhiều người vẫn chọn ghế đá, hàng cây làm nơi trú ngụ giữa ngày đông giá rét. Thấu hiểu và đồng cảm với người nhà bệnh nhân, Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo Phòng hành chính quản trị mua cây sưởi ga công nghiệp đặt tại các vị trí trên vỉa hè dọc trục đường A9. Các cây sưởi ga công nghiệp được thiết kế dạng ô xòe, sử dụng ga làm nhiên liệu phát nhiệt. Hoạt động ổn định, an toàn, hiệu suất cao, thời gian ra nhiệt nhanh. Lưu lượng nhiệt có thể đạt tới 12Kw (gấp 6 lần máy sưởi thông thường). Anh Nguyễn Văn Toàn (45 tuổi, Hà Tĩnh), cho biết: “Tôi vừa đưa anh trai từ Hà Tĩnh ra đây cấp cứu, chưa biết tình hình thế nào nên không dám vào nhà lưu trú của bệnh viện nghỉ ngơi. Rất cảm ơn lãnh đạo bệnh viện đã quan tâm, trang bị cây sưởi giúp những người dân như chúng tôi xua tan cái giá lạnh của mùa đông”.

 Cây sưởi trước khoa A9 của Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MAI THANH

Cây sưởi trước khoa A9 của Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: MAI THANH

Tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, trong những ngày Hà Nội rét tê tái đến 8-9 độ C, người bệnh vẫn cảm thấy vô cùng ấm áp vì 100% buồng bệnh nơi đây được trang bị đầy đủ điều hòa nhiệt độ hai chiều, nước nóng và chăn ấm. Viện đã trang bị hệ thống nước nóng phục vụ người bệnh 24/24 giờ. Các khoa, phòng đều chuẩn bị sẵn sàng chăn ấm để người bệnh có đủ chăn ấm yên tâm điều trị. Các khoa, phòng ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nơi tập trung đông các bệnh nhân cao tuổi thường xuyên bật điều hòa hai chiều, bảo đảm ấm cho người bệnh. Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện luôn phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ điều trị để tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân một cách tốt nhất, cung cấp suất ăn đến tận giường cho bệnh nhân nặng, hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Dù các bệnh viện đã chủ động chống rét cho bệnh nhân nhưng các bác sĩ cũng khuyến cáo, trong thời tiết giá rét, nhiệt độ xuống thấp đột ngột, người dân cần chủ động phòng tránh, trang bị thêm cho bản thân những kiến thức giữ ấm cơ thể tối thiểu. Đối với người già không nên dậy quá sớm, vận động đột ngột. Sau khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi. Người già cần ở phòng kín gió, mặc quần áo đủ ấm, kiểm soát huyết áp thường xuyên để phòng nguy cơ đột quỵ. Đối với trẻ nhỏ cần vệ sinh tay sạch sẽ, giữ ấm đường hô hấp, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Đồng thời, cảnh báo cho người dân không dùng, than, than tổ ong để sưởi ấm trong nhà kín, nhằm tránh các tai nạn ngộ độc khí từ than.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/chu-dong-phong-chong-ret-bao-dam-suc-khoe-cho-nguoi-benh-648775