Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

 Kiểm tra môi trường vùng đầm phá

Kiểm tra môi trường vùng đầm phá

Dự trữ 15.000 cuộn rơm

Ảnh hưởng không khí lạnh những ngày qua, vùng núi A Lưới trời trở rét, nền nhiệt dao động từ 13 - 15 độ C. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, khi bước vào mùa rét, gia súc chết hàng loạt, các địa phương vùng miền núi A Lưới đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống mưa rét cho trâu bò.

Điều dễ nhận thấy ở các xã của huyện A Lưới trong những năm gần đây là sau khi thu hoạch xong vụ lúa, người dân không còn đốt bỏ rơm rạ mà bó thành cuộn dùng để dự trữ thức ăn cho trâu bò. Với sự hỗ trợ máy cuộn rơm từ chính quyền, bình quân mỗi địa phương đều có trữ rơm khô cho trâu bò làm thức ăn trong mùa rét từ 1.000 - 2.000 cuộn.

Dự trữ thức ăn khô, phụ phẩm nông nghiệp phòng, chống rét cho trâu bò ở A Lưới

Dự trữ thức ăn khô, phụ phẩm nông nghiệp phòng, chống rét cho trâu bò ở A Lưới

Với số lượng 1.500 con trâu, bò, xã Hồng Thượng là địa bàn trọng điểm chăn nuôi của huyện A Lưới. Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho biết, ngay từ đầu mùa vụ, xã tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị thu gom, trữ rơm cuộn để phòng chống rét cho trâu, bò. Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ việc che chắn chuồng trại, khuyến cáo người dân lùa trâu, bò nuôi nhốt trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp. Nhờ làm tốt công tác giám sát, hỗ trợ, đã tránh được thiệt hại cho gia súc của người dân trên địa bàn. Mùa rét năm nay, xã đã dự trữ được hơn 2.000 cuộn rơm làm thức ăn phòng, chống rét cho trâu bò.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, tổng đàn gia súc toàn huyện năm 2024 có 28.767 con, đạt 102,7% kế hoạch, tăng 2.104 con so với năm 2023. Thời điểm hiện tại, toàn huyện đã vận động các địa phương dự trữ trên 15.000 cuộn rơm khô làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong mùa mưa rét. Việc thu gom rơm để làm thức ăn gia súc và làm phân bón có chuyển biến tốt, hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, nhiều năm qua, các địa phương đã thực hiện khá tốt công tác thu gom, chế biến và đăng ký mua rơm cuộn dự trữ cho gia súc mùa mưa rét, nguồn thức ăn được đảm bảo nên đã hạn chế tổn thất về kinh tế của người dân trên địa bàn. Nhằm chủ động bảo vệ tốt cho đàn trâu, bò, dê trong đợt rét cuối năm thì việc dự trữ rơm khô từ đầu vụ rất quan trọng.

Huyện yêu cầu các địa phương liên tục cập nhật tình hình diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không chủ quan và bị động trong việc ứng phó, phòng, chống rét cho gia súc.

Theo đó, hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi luôn khô ráo sạch sẽ. Người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô (rơm, rạ, cỏ khô…) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Vận động và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng trại, 1 cây rơm hoặc dự trữ rơm cuộn đảm bảo cung cấp bình quân 5-7 kg rơm/con/ngày trong những ngày giá rét.

Chủ động ứng phó

Thực tế cho thấy, ý thức người chăn nuôi đã được nâng lên rõ rệt sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay người dân đã dần bỏ hẳn tập quán chăn thả trâu, bò tự do khi nhiệt độ trung bình trong ngày xuống dưới 15 độ C. Chuồng trại đảm bảo không mưa dột, luôn khô ráo và có che chắn. Người dân cũng kiểm soát và chuẩn bị thêm thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi.

Các địa phương đã thành lập các đoàn trực tiếp về tận hộ dân để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống đói, rét cho gia súc; đặc biệt chú trọng các hộ thường xuyên thả rong gia súc tại khu vực đồi núi cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét để nhắc nhở, hướng dẫn người dân...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, để chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi, đơn vị yêu cầu các địa phương chỉ đạo phòng, ban, chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ để hỗ trợ kịp thời giúp người dân triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi có hiệu quả. Hướng dẫn người dân thực hiện việc gia cố vững chắc, che chắn cho chuồng trại dự trữ nguồn thức ăn; nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi khi mưa rét hoặc đưa trâu, bò ở vùng trũng thấp lên nơi cao hơn và che chắn có kiểm soát. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, theo dõi đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc-xin để tiêm phòng cho gia súc...

Huyện A Lưới yêu cầu các trạm chăn nuôi thú y tăng cường công tác kiểm tra và đốc thúc việc tiêm phòng các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm và vắc-xin lở mồm long móng cho trâu bò đạt tỷ lệ cao; giám sát tình hình dịch bệnh, đặc biệt chú ý đối với các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò, dịch tả lợn đã từng xảy ra tại các địa phương, có biện pháp để ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát và lây lan.

An toàn cho cá nuôi

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, sau khi nắm bắt thông tin cá chết, chi cục đã kiểm tra, lấy mẫu nước để phân tích các yếu tố môi trường. Kết quả cho thấy, có hai thông số về độ mặn và độ đục không phù hợp để nuôi thủy sản nước lợ, việc ngọt hóa hoàn toàn do mưa kéo dài thời gian qua có thể làm cho đối tượng nuôi bị “sốc”. Riêng độ đục có thể bám vào mang làm cho đối tượng nuôi không thể hô hấp và gây chết, đặc biệt đối với thủy sản còn non, kích thước nhỏ.

Chi cục Thủy sản khuyến cáo, để ứng phó mưa rét, giảm thiệt hại về kinh tế, cơ sở nuôi cá lồng phải chọn ao, hoặc vùng nước có môi trường thuận lợi, phù hợp để di chuyển vào lưu giữ, chăm sóc. Việc di chuyển đối tượng nuôi phải tránh xây xát, mất nhớt và “sốc” trong môi trường mới và cần tiến hành thu hoạch số cá đã đủ kích cỡ thương phẩm.

Đối với các ao nuôi còn lưu giữ các loại thủy sản chưa đạt kích cỡ thu hoạch phải bố trí ao chứa lắng, có biện pháp kỹ thuật phù hợp khi bổ sung nước; có chế độ chăm sóc tích cực như tăng cường các chất bổ sung vào chế độ ăn, theo dõi và tăng sức đề kháng đối với vật nuôi.

Các cơ sở đang nuôi chưa đến kỳ thu hoạch, hoặc thả giống nuôi dưỡng cho vụ nuôi năm 2025 (sau ngày 23/10 âm lịch) lưu ý thực hiện một số giải pháp để phòng, chống mưa lớn, không khí lạnh vào thời điểm cuối năm. Các hoạt động gây sốc/stress cho thủy sản như kéo lưới, đánh bắt, vận chuyển… cần phải hạn chế để tránh làm cá yếu và giảm nguy cơ nhiễm bệnh “tác nhân cơ hội”.

Các hộ nuôi phải duy trì mực nước ao nuôi/bể đảm bảo độ sâu 1,5 - 2m, mực nước khu vực lồng nuôi từ 2 - 3m nhằm ổn định và tránh biến động đột ngột nhiệt độ nước nuôi và di chuyển lồng bè đến khu vực ít gió. Với các cơ sở nuôi tôm vụ đông, ngoài duy trì mực nước trong ao nuôi/bể phù hợp cần có các biện pháp chống rét như làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi/bể để bảo vệ tôm nuôi.

Quá trình nuôi phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng và tính toán lượng thức ăn phù hợp để tránh dư thừa gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ao nuôi. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15oC thì ngừng cho ăn, tranh thủ các thời điểm nắng ấm trong ngày để cho thủy sản ăn với lượng phù hợp.

Vào mùa đông cần hạn chế thả giống, chỉ tổ chức thả giống đối với các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho thủy sản. Các cơ sở, chủ hộ nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Chú ý một số loài thủy sản có khả năng chống chịu rét kém như cá rô phi, các chim trắng, cá lóc, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng…

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN - THẾ TRÍ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chu-dong-phong-chong-ret-cho-vat-nuoi-149238.html