Chủ động phòng, chống thiên tai cực đoan, khó lường ở khu vực miền núi phía Bắc
Sáng 13/7, tại thành phố Lào Cai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; lãnh đạo UBND các tỉnh, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh trong khu vực; UBND một số huyện, chủ các hồ chứa lớn và các đơn vị liên quan.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, các tỉnh miền núi phía Bắc thường xuyên xảy ra băng giá, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, dông lốc, sét, động đất, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khu khai thác khoáng sản, đường giao thông... được xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, song cũng đã và đang gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện rộng, đặc biệt, mưa đá ngay trong đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán - một hiện tượng dị thường rất hiếm gặp; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất. Tính đến ngày 9/7/2020, đã làm 19 người chết, 79 người bị thương, 1.618 nhà sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính 610 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, mưa, lũ sẽ tiếp tục xảy ra tập trung vào tháng 8 đến tháng 10, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực miền núi, nhất là khu vục Tây Bắc; từ nay đến cuối năm 2020 sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền vào những tháng cuối năm; động đất có thể tiếp tục xảy ra, cường độ lớn nhất tại các tỉnh Đông Bắc có thể đến cấp 7, Tây Bắc cấp 8, thậm chí cấp 9.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc; đánh giá những kết quả đã đạt được; chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; đúc rút các bài học kinh nghiệm; đề ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong khẳng định: Những năm qua, tỉnh Lào Cai xác định rõ công tác phòng, chống thiên tai phải được quan tâm chú trọng và lấy “phòng ngừa là chính”, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên quan tâm kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó; quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai và các công trình phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động phương án sắp xếp dân cư khu vực nông thôn ở phân tán, nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Đồng chí Đặng Xuân Phong cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai cần phải chủ động, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” với quan điểm “không được chủ quan, lấy phòng ngừa là chính, dựa vào nhân dân là chính, chính quyền cơ sở là chính”, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc cần sớm hoàn thiện kế hoạch, phương án và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Các tỉnh cần có sự chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, thích ứng, khắc phục; tập trung kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án ứng phó với mưa, lũ lớn; nêu cao tinh thần chủ động của các cấp chính quyền, người dân trong phòng, chống thiên tai, đặc biệt phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo thực hiện vận hành an toàn các hồ chứa, đảm bảo phát huy hiệu quả của các nhà máy thủy điện...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các địa phương và giao các đơn vị trực thuộc tổng hợp, nghiên cứu để Bộ có cơ sở trình Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã phát động phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020 - 2025 và ký giao ước thực hiện phong trào thi đua.
Nhân dịp này, có 2 tập thể, 3 cá nhân (ảnh dưới) được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thách tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2019.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cùng lãnh đạo tỉnh Lào Cai đi thăm Dự án kè biên giới sông Hồng khu vực huyện Bát Xát (ảnh dưới).