Chủ động phòng ngừa dịch bệnh đàn vật nuôi

Giai đoạn giáp tết thời tiết thường lạnh kèm độ ẩm cao, là điều kiện để các mầm bệnh lưu cữu trong môi trường bùng phát, gây hại cho vật nuôi. Để bảo toàn đàn vật nuôi, cung cấp cho thị trường tết sắp tới, ngành Thú y, người chăn nuôi đang thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Người chăn nuôi chú trọng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: THỦY TIÊN

Người chăn nuôi chú trọng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Ảnh: THỦY TIÊN

Người nuôi chủ động phòng dịch

Sau hơn 3 tháng chăm sóc, đàn heo thịt của gia đình bà Lê Thị Ngọc Sáng ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) đã đạt trọng lượng trên 75kg/con. Bà Sáng đang cố gắng chăm chút, tăng khẩu phần ăn để thúc heo tăng trọng. Bà Sáng cho hay: Khoảng nửa tháng nữa sẽ xuất lứa heo này, vì vậy tôi đang tăng khẩu phần ăn, hy vọng đến lúc đó heo đạt trọng lượng khoảng 85-90kg/con.

Cũng theo bà Sáng, hiện nay thời tiết mưa ẩm, cộng với nhiệt độ không khí hạ thấp khiến vật nuôi suy giảm sức khỏe nên nguy cơ nhiễm bệnh tăng. Mặc dù toàn bộ đàn heo của gia đình đã được tiêm phòng đầy đủ vắc xin, nhưng để phòng ngừa dịch bệnh, trong khẩu phần ăn hằng ngày của vật nuôi, bà Sáng bổ sung chất xơ và một số vitamin, khoáng chất. Việc này sẽ giúp đàn heo nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng kháng bệnh.

Với giá heo dao động khoảng 65.000-67.000 đồng/kg hơi như hiện nay, người nuôi heo lợi nhuận tương đối khá. Đây cũng là nguồn thu nhập để chi tiêu cho dịp tết sắp đến, nên các hộ chăn nuôi cẩn trọng trong việc chăm sóc và phòng dịch. Theo bà Đinh Thị Thuận ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), để hạn chế gió lùa, giúp chuồng ấm hơn, vợ chồng bà đã dùng bạt che chắn xung quanh chuồng, đồng thời dội rửa, vệ sinh nền chuồng hằng ngày để nền sạch thoáng, vật nuôi có chỗ nằm.

Gia đình bà còn rắc vôi bột, định kỳ 2 lần/tuần phun thuốc tiêu độc sát trùng xung quanh và trong chuồng nuôi. “Nếu giá heo ổn định như hiện nay thì khi xuất lứa heo này, gia đình tôi sẽ lãi hơn chục triệu đồng, có tiền để trang trải các khoản chi tiêu cuối năm”, bà Thuận nói.

Tương tự, hiện các hộ nuôi bò cũng đang chủ động phòng dịch, tập trung vỗ béo lứa bò thịt chuẩn bị xuất chuồng. Ông Nguyễn Văn Phụng, một người nuôi bò ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho biết: Thời tiết mưa ẩm, bò rất dễ bị bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng… Vừa qua, khi ngành Thú y triển khai tiêm phòng, gia đình tôi đã đăng ký tiêm vắc xin cho cả đàn, sắp tới sẽ tiêm thêm vắc xin viêm da nổi cục.

Bò được tiêm đầy đủ vắc xin nên yên tâm hơn hẳn. Bây giờ chỉ cần làm tốt khâu vệ sinh và dinh dưỡng, chú trọng bổ sung thức ăn thô xanh và muối khoáng, bò sẽ có sức đề kháng và phát triển tốt. Cũng theo ông Phụng, 4 con bò vỗ béo này ông mua hơn 120 triệu đồng. Sắp tới khi xuất bán, ông có thể lãi hơn chục triệu đồng.

Tăng cường kiểm soát

Cùng với những nỗ lực của người chăn nuôi, hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đang siết chặt kiểm tra việc mua bán, vận chuyển, xuất nhập gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhằm kiểm soát hiệu quả nhất tình hình dịch bệnh ở đàn vật nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong năm 2024, đàn vật nuôi không xảy ra các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi và hiện tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với những điều kiện bất lợi về thời tiết, các loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn đang xảy ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước, nhu cầu mua bán tăng mạnh… như hiện nay thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh còn rất cao.

Ngành Thú y đã thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại Trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn (TX Đông Hòa). Trạm này đang hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày, đảm bảo toàn bộ xe vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ các địa phương khác vào tỉnh trên cung đường này đều được kiểm soát.

Đối với những cung đường từ Tây Nguyên xuống, cán bộ các trạm thú y phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát. Ngoài ra, ngành Thú y còn tăng cường theo dõi tình hình dịch bệnh ở đàn vật nuôi, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định. Đến nay, chi cục đã kiểm tra 45 điểm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các cơ sở không đáp ứng yêu cầu theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngành Thú y và các địa phương đang tập trung vận động và triển khai tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho gia súc. Đây là cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa, phòng bệnh viêm da nổi cục cho vật nuôi khi các loại côn trùng như ruồi, muỗi… (những vật trung gian truyền bệnh viêm da nổi cục) đang sinh sôi mạnh trong mùa này.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được gần 8.900 liều vắc xin viêm da nổi cục cho đàn gia súc. Trạm chăn nuôi và thú y các địa phương đang tiếp tục tiêm phòng với mục tiêu 80% tổng đàn trong diện được tiêm phòng vắc xin.

Người chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, trong đó phải đảm bảo tiêm đầy đủ các loại vắc xin quy định, để đàn vật nuôi đạt được tính bảo hộ dịch bệnh cao nhất.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục

Chăn nuôi và Thú y tỉnh

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/324709/chu-dong-phong-ngua-dich-benh-dan-vat-nuoi.html