Chủ động phòng ngừa hỏa hoạn tại các cơ sở tín ngưỡng
Đa số các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đều được xây dựng bằng vật liệu gỗ cùng với việc thắp hương, hóa vàng mã số lượng lớn ngay trong khuôn viên của di tích khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao. Do vậy, công tác phòng ngừa hỏa hoạn trước hết và trên hết phải được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, quần thể di tích chùa Hương nằm trên địa bàn xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) lại đón hàng vạn du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Tại những điểm thờ tự - nơi thường xuyên sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt để phục vụ nhu cầu dâng hương lễ Phật của người dân, Ban Quản lý chùa đã bố trí các phương tiện, dụng cụ cần thiết để có thể kịp thời xử lý khi có sự cố bất ngờ xảy ra.
Đại úy Hà Hồng Sơn - Đội Cảnh sát PCCC & CNCH - Công an huyện Mỹ Đức cho biết, Ban Quản lý cũng như cảnh sát PCCC đã bố trí một số lu nước có thể tích khá lớn; tại một số khu vực bể nước cũng được trang bị máy bơm chuyên dụng để vận hành chữa cháy ngay tại khu vực đó. Bên cạnh công tác tuyên truyền và thông báo trên hệ thống loa phóng thanh, nhắc nhở du khách đến hành lễ, chiêm bái đảm bảo an toàn PCCC tại chùa, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chủ hộ kinh doanh buôn bán trong khu vực thực hiện đúng các quy định đã được đề ra.
Đền Quán Thánh nằm trên địa bàn quận Ba Đình là một trong tứ trấn của Kinh thành Thăng Long xưa mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh đối với người dân Thủ đô. Nhận thức được sự nguy hiểm nếu không may xảy ra hỏa hoạn, Ban Quản lý đền đã trang bị đầy đủ bình chữa cháy xách tay đặt tại tất cả các cửa ra vào; lắp đặt hệ thống bể chứa và đường ống dẫn nước chạy dọc hai bên đền; cùng với đó là bố trí khu vực đốt vàng mã riêng theo đúng quy định cách xa nơi thờ tự 30-50m; phân công cán bộ chốt trực xuyên suốt để kịp thời hướng dẫn người dân nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ông Bùi Hồng Sơn, Quản lý đền Quán Thánh (quận Ba Đình) cho biết: “Ban Quản lý đền thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhờ du khách khi đến lễ đền, mỗi người lòng thành chỉ thắp một nén nhang và cắm vào bát hương ở trước cửa đền; đốt vàng mã phải đúng nơi quy định không được đốt bừa bãi và không đốt số lượng nhiều. Khi khách thập phương ra về thì tất cả ban bảo vệ và những người quản lý trong đền phải đi kiểm tra toàn bộ những ngóc ngách trong đền và tắt toàn bộ cầu dao chính”.
Thời gian này đang là cao điểm diễn ra các lễ hội đầu xuân, do vậy lực lượng chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Ban quản lý các di tích, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân cách sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại nơi thờ cúng; đồng thời bố trí, sắp xếp tài sản, phương tiện sao cho khoa học, hợp lý không làm cản trở lối thoát hiểm. Toàn bộ hệ thống lưới điện phải được bọc ống gen và đặt trong hộp kỹ thuật tiêu chuẩn an toàn điện nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ chập cháy. Mỗi người dân, du khách khi đến tham quan, lễ bái cần nêu cao ý thức trong việc PCCC, cùng chung tay bảo vệ các công trình văn hóa, kiến trúc lịch sử của dân tộc.