Chủ động phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Trần Lan Phương - Công ty Luật TNHH Đa Phương - cho biết, trong các vụ việc gian lận thương mại đối với xuất nhập khẩu hàng hóa, thương nhân Việt Nam thường chịu thiệt hại nhiều hơn do thiếu thông tin, kinh nghiêm cũng như bất đồng ngôn ngữ.
Mới đây, 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều gặp vướng mắc về hồ sơ chứng từ của các lô hàng gửi đến Italia và Thổ Nhĩ Kỳ và có nguy cơ mất hàng. Trước tình trạng trên, bà có khuyến nghị gì với doanh nghiệp?
Theo các thông tin mà chúng tôi tìm hiểu trong vụ việc lần này, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất nhập khẩu với phương thức thanh toán "nhờ thu", hay còn gọi là "trả tiền nhận chứng từ D/P". Tuy nhiên, rủi ro đã xảy ra, bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua Italia thất lạc. Hay nói một cách khác, các doanh nghiệp Việt Nam mất toàn bộ quyền kiểm soát lô hàng khi chưa nhận được thanh toán từ người mua bởi vì các hãng tàu phải giao hàng cho người nhận hàng khi họ xuất trình bộ chứng từ gốc tới hãng tàu. Tới nay, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, một số container điều đã được kiểm soát và giữ tại cảng. Dù vậy, vẫn còn nhiều rủi ro liên quan đến số container còn lại.
Hiện, các cơ quan chức năng đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong vụ việc này. Thực tế, do mất kiểm soát bộ chứng từ gốc, việc doanh nghiệp xuất khẩu điều chứng minh là chủ sở hữu thực sự lô hàng rất khó khăn. Mặt khác, đây là vụ việc rất phức tạp, cần phải xác định rõ sự việc và xác minh trách nhiệm của tất cả các chủ thể có liên quan. Theo quan sát của chúng tôi, dấu hiệu lừa đảo đã ngày một lộ rõ. Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác với luật sư, thương vụ Việt Nam để làm rõ về các đối tượng này; tích cực kiểm soát lộ trình di chuyển của các container điều còn sót lại để có thể phong tỏa ngay khi cập cảng; làm việc với các bên liên quan đưa ra phương án xử lý một cách nhanh nhất để giảm thiểu các thiệt hại.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo khi hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài do không nắm vững luật quốc tế. Theo bà, doanh nghiệp cần lưu ý gì để tránh các vụ việc tương tự?
Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, hiện tại khá thụ động trong việc thực hiện các hợp đồng thương mại quốc tế, nhất là không có cán bộ chuyên môn xuất nhập khẩu để kiểm soát hợp đồng hoặc kết nối với các đối tác quốc tế cũng như cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, theo tôi, các doanh nghiệp có thể cùng nhau thuê một cán bộ xuất nhập khẩu để được tư vấn trong khi giao dịch, tránh được rủi ro; chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, kiến thức pháp luật thương mại cho đội ngũ nhân lực của mình.
Đồng thời, sau vụ việc này, doanh nghiệp xuất khẩu cần cẩn trọng hơn trong phương thức thanh toán khi giao dịch với các đối tác nước ngoài; phải xác minh khách hàng, kể cả trường hợp khách hàng đã vài lần ký hợp đồng vẫn phải duy trì quá trình xác minh đó. Theo đó, có nhiều kênh khác nhau để thực hiện xác minh như thông qua thương vụ Việt Nam tại các nước, hay thuê luật sư quốc tế. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên dành quyền chủ động soạn thảo hợp đồng, hoặc kiểm soát kỹ hợp đồng để doanh nghiệp nắm vững và hiểu rõ các quy định, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên trong hợp đồng. Có như vậy, nếu như sau này xảy ra những vấn đề về tranh chấp pháp lý, sẽ giúp doanh nghiệp nắm vững quy trình hơn.
Hiện, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), cơ hội xuất khẩu đang rộng mở. Để tránh rủi ro cho doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, nhất là các thương vụ ở nước ngoài cần phải làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong thương mại quốc tế, thưa bà?
Trong vụ việc lần này, với sự hỗ trợ kịp thời, tích cực từ Thương vụ Việt Nam tại Italia đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tạm thời giữ lại được các container điều bị mất chứng từ. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ, nếu doanh nghiệp sử dụng hỗ trợ này ngay từ quá trình thương thảo hợp đồng qua việc xác minh đối tác, tính pháp lý, năng lực tài chính của bên mua, sự việc đáng tiếc này khó xảy ra. Từ lỗ hổng luật quốc tế của doanh nghiệp, về lâu dài, các bộ, ngành liên quan nên phổ biến chuyên sâu thương mại quốc tế cho doanh nghiệp về thương mại quốc tế để tránh rủi ro tương tự, như tổ chức các chương trình tập huấn, phát hành hướng dẫn đơn giản và dễ hiểu cho doanh nghiệp về quy trình giao dịch thương mại cũng như điều khoản cơ bản trong giao dịch thương mại; đặc biệt là các khuyến cáo về rủi ro có thể gặp phải và cách phòng, tránh rủi ro để doanh nghiệp chủ động khi triển khai các giao dịch. Cùng đó, cơ quan quản lý cần hoàn thiện các hệ thống quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, tạo hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp
Xin cảm ơn bà!
Hoa Quỳnh (thực hiện)