Chủ động phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội), tội phạm cướp giật tài sản đang diễn ra cả ở nông thôn lẫn thành thị. Không chỉ trên những cung đường vắng tội phạm mới thực hiện các vụ cướp manh động, mà ngay tại các trục đường chính đông đúc chúng cũng sẵn sàng ra tay.

Những vụ cướp táo tợn

Kể lại sự việc diễn ra cách đây gần 2 tháng, chị H (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chiều tối 18-5, khi đang đứng đọc tin nhắn điện thoại ở đường Láng thì bất ngờ chị bị 2 đối tượng đi xe máy cướp giật điện thoại. “Tôi không nghĩ đối tượng giở trò cướp giật manh động như vậy. Sự việc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ khiến tôi không kịp trở tay, cũng không kịp cả hô hoán. Chỉ đến khi bình tĩnh lại tôi mới đến trình báo cơ quan công an” - chị H nói.

Lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tội phạm cướp giật tài sản

Lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tội phạm cướp giật tài sản

Tiếp nhận đơn trình báo, cơ quan công an xác định nhóm cướp sử dụng xe Honda Wave tối màu, không lắp biển kiểm soát. Đối tượng lái xe mặc đồng phục “xe ôm” công nghệ màu vàng, đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm màu đen. Đối tượng ngồi sau mặc áo khoác tối màu đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm màu sáng. Bước đầu, Công an quận Đống Đa xác định Nguyễn Minh Đức (sinh năm 1984, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội, có 4 tiền án) là chủ cửa hàng buôn bán điện thoại đã mua 2 điện thoại di động là tang vật của các vụ cướp giật tài sản nêu trên. Căn cứ lời khai của Đức, cơ quan điều tra nhận định các đối tượng: Nguyễn Văn Cảnh (sinh năm 1998), Nguyễn Huy Cường (sinh năm 2003), Lê Viết Mạnh (sinh năm 2003), Lê Viết Hùng (sinh năm 1998), Nguyễn Minh Hiếu (sinh năm 2001) cùng quê Thanh Hóa, có liên quan đến 3 vụ cướp giật trên địa bàn quận Đống Đa.

Tiến hành triệu tập các đối tượng nói trên khi chúng đang lẩn trốn tại quận Long Biên (Hà Nội), tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bắc Ninh, ổ nhóm này khai nhận đã thực hiện 3 vụ cướp giật điện thoại trong ngày 18-5 (trong đó có 2 vụ trên đường trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) và 1 vụ cướp giật điện thoại vào tối 12-5 tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy). Số điện thoại cướp giật được, các đối tượng đều bán cho Nguyễn Minh Đức. Theo cơ quan công an, đây là ổ nhóm cướp giật có tính chất chuyên nghiệp, gây ra nhiều vụ và làm mất an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội. Trong vụ án này, nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là nữ giới đi một mình. Với thủ đoạn bám theo nạn nhân trong quãng đường dài, đợi đến chỗ vắng, nhóm đối tượng mới áp sát cướp giật tài sản.

Cũng thủ đoạn trên, khoảng 17h45 ngày 12-5, Chu Mạnh Thái (SN 1987, trú ở Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) điều khiển xe máy Honda Future màu xanh trên cầu vượt Cổ Linh, phường Thạch Bàn, quận Long Biên thì gặp một người phụ nữ điều khiển xe máy Yamaha Janus, trên cổ có đeo chiếc dây chuyền. Thấy vậy, đối tượng vượt lên giật chiếc dây chuyền rồi nhanh chóng tẩu thoát về hướng ngã tư Cổ Linh - Thạch Bàn. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên đã phối hợp với Công an phường Long Biên khẩn trương xác minh, làm rõ và bắt giữ được Chu Mạnh Thái. Đây cũng là đối tượng có 2 tiền án về tội cướp tài sản và cố ý gây thương tích, gây ra 5 vụ cướp giật dây chuyền khác tại khu vực cầu vượt Láng Hạ (khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4-2024), khu vực Vĩnh Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Phong Sắc và Giảng Võ (khoảng đầu tháng 4-2024).

Phụ nữ thường là “con mồi” mà các đối tượng cướp giật săn tìm

Phụ nữ thường là “con mồi” mà các đối tượng cướp giật săn tìm

Tội phạm đang trẻ hóa

Thượng tá Lý Hoài Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã phát hiện 71 vụ cướp giật tài sản. Trong đó, địa bàn thành thị là 54 vụ, nông thôn là 17 vụ. Các đối tượng chủ yếu cướp điện thoại, túi xách và vàng. “Các đối tượng cướp giật chủ yếu hoạt động đơn lẻ. Qua thống kê, đa số các vụ cướp giật tài sản đều xuất phát từ việc các đối tượng không có công ăn việc làm, lười lao động nhưng vẫn muốn có tiền tiêu xài hưởng thụ nên nảy sinh ý định đi cướp giật” - Thượng tá Lý Hoài Nam đánh giá.

Phân tích thủ đoạn của tội phạm cướp giật, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên nhận định, loại hình tội phạm này cũng đang có dấu hiệu trẻ hóa hơn so với trước đây. “Hầu hết các vụ cướp giật tài sản do đối tượng là nam giới gây ra, chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 16 - 30, nhiều đối tượng là trẻ mồ côi, bỏ học, có tiền án tiền sự, nghiện ma túy, lười lao động nhưng thích hưởng thụ. Chúng thường sử dụng xe máy không gắn biển kiểm soát di chuyển trên các tuyến giao thông để theo dõi, quan sát, lựa chọn mục tiêu. Khi đã phát hiện và lựa chọn được, các đối tượng sẽ lợi dụng thời điểm vắng người qua lại để gây án” - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng nói.

Theo đánh giá của cơ quan công an, đa số các vụ cướp giật tài sản đều xuất phát từ việc các đối tượng không có công ăn việc làm, lười lao động nhưng vẫn muốn có tiền tiêu xài, thích hưởng thụ nên nảy sinh ý định đi cướp giật. Nguyên nhân nảy sinh tội phạm cướp giật tài sản xuất phát từ nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có ý thức bảo vệ tài sản của người dân còn nhiều sơ hở. Theo thống kê, nạn nhân của các vụ cướp giật tài sản xảy ra trong thời gian qua phần lớn là phụ nữ - những người mỗi khi ra đường thường mang theo túi xách, đeo nhiều trang sức, vừa đi vừa nghe điện thoại… tham gia giao thông trên những cung đường vắng vé, vào khoảng thời gian ít người qua lại nên dễ lọt vào “tầm ngắm”, tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật có cơ hội hoạt động. Chưa kể, đây là những người sức phản kháng yếu, các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Thượng tá Lý Hoài Nam nhận định, hành vi cướp giật tài sản không chỉ là chiếm đoạt tài sản mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân tham gia giao thông. Bởi phần lớn các đối tượng dùng xe máy chạy với tốc độ cao, ra tay bất ngờ khi các nạn nhân đang lưu thông trên đường hoặc trong tình huống bất khả kháng. Chính điều này khiến bị hại có thể gặp tai nạn nguy hiểm, tổn hại đến sức khỏe và hư hỏng phương tiện. Chưa kể, còn có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác khi đang cùng tham gia giao thông trên đường...

Ổ nhóm cướp giật bị CAQ Đống Đa bắt giữ gần đây

Ổ nhóm cướp giật bị CAQ Đống Đa bắt giữ gần đây

Chú trọng phòng ngừa

Qua nghiên cứu quy luật của tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự nhận định, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm cướp giật tài sản trên các tuyến giao thông, địa bàn công cộng. “Quá trình điều tra, khám phá các vụ án cướp giật tài sản trên địa thành phố trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác định được 56 tuyến đường tại 20 quận, huyện là những tuyến mà tội phạm cướp giật tài sản thường xuyên lợi dụng để hoạt động, cần chú ý tập trung phòng ngừa, đấu tranh” - Thượng tá Lý Hoài Nam cho biết thêm.

Bên cạnh đó, trước tình trạng người dân tập trung đông, xếp hàng mua vàng tại các trụ sở của 4 ngân hàng và các chi nhánh cửa hàng vàng bạc đá quý, theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự, mặc dù đến nay chưa ghi nhận các vụ việc phạm pháp hình sự (cướp, cướp giật tài sản...) tại các điểm giao dịch mua bán vàng, nhưng giao dịch sôi động thị trường vàng cũng là thời cơ để các đối tượng cướp, cướp giật tài sản lợi dụng hoạt động phạm tội từ đó gia tăng tình hình tội phạm. Do vậy, để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với các loại tội phạm cướp, cướp giật, Phòng Cảnh sát hình sự đã thống kê, lên danh sách đầy đủ các cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý, các điểm giao dịch ngân hàng, các tổ chức có hoạt động bán vàng miếng cho người dân, để phân công lực lượng phòng chống tội phạm tại các địa điểm trên. Qua rà soát, hiện trên địa bàn thành phố có 52 ngân hàng với 1.794 văn phòng giao dịch, chi nhánh, 1.363 máy ATM, 98 Quỹ tín dụng nhân dân, 1.337 cửa hàng kinh doanh vàng, bạc, 4.274 cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại, 2.932 siêu thị, cửa hàng tiện tích, 766 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính… Đây là những địa điểm dễ phát sinh tội phạm cướp giật. Để phòng ngừa cướp giật tại các địa điểm này, lực lượng công an cũng sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, đặc biệt trong đó chú trọng tuần tra mật phục tại các điểm giao dịch, chi nhánh ngân hàng, quỹ tiết kiệm nhân dân, cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý để phòng cướp, cướp giật.

Ý thức cảnh giác của mỗi người dân chính là giải pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn tội phạm cướp giật tài sản

Ý thức cảnh giác của mỗi người dân chính là giải pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn tội phạm cướp giật tài sản

Tăng cường ý thức tự bảo quản của người dân

Cũng theo phân tích của Phòng Cảnh sát hình sự, phần lớn các đối tượng tham gia cướp giật đều nghiện ma túy, hoặc đối tượng có tiền án tiền sự. Chúng đa phần sống lang bạt hết địa phương này đến địa phương khác. Những nơi như công viên, bến xe, chợ, trung tâm thương mại là địa điểm mà các đối tượng trên hành trình lang bạt thường có xu hướng “tấp vào” gây án. Do vậy, lực lượng công an đã tập trung rà soát, phát hiện, đưa vào quản lý nghiệp vụ đối với số đối tượng có tiền án, tiền sự, tù tha, số đối tượng nghiện ma túy, nghiện game, cờ bạc, nợ nần, không có công ăn việc làm ổn định… Đồng thời chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp, cướp giật tài sản. “Đặc biệt, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị lưu ý đến số thanh thiếu niên, học sinh cá biệt bỏ nhà đi lang thang “sống bầy đàn”, mang theo hung khí tham gia đua xe, gây rối trật tự công cộng để có đối sách cụ thể. Bên cạnh đó cũng rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các tụ điểm (sau 23h đêm) mà các đối tượng có thể lợi dụng để gây án” - Thượng tá Lý Hoài Nam cho hay.

Một yếu tố nữa là thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng tội phạm cướp giật nhằm vào phụ nữ, nhấn mạnh thêm về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng khuyến cáo: “Người dân cần tăng cường bảo quản tài sản của mình, đặc biệt là phụ nữ đi trên đường vắng, ăn mặc sang trọng, đi xe ga đắt tiền, vì đây luôn là “con mồi” mà các đối tượng cướp giật nhắm đến. Khi đi trên đường, người dân nên cất túi xách trong cốp xe, hạn chế sử dụng điện thoại. Phụ nữ tham gia giao thông không nên đeo trang sức, tránh tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội”.

Ngoài kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, trong đó có tội phạm cướp giật tài sản, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn của lực lượng chức năng, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường trong công tác tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm đối với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao. Ý thức cảnh giác của mỗi người dân chính là giải pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn tội phạm cướp giật tài sản.

Trung tá Nguyễn Xuân Chiến - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CAQ Đống Đa): Cần chủ động bảo vệ tài sản cá nhân

Thời gian gần đây, trên địa bàn quận Đống Đa và thành phố xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng sơ hở của người dân trong bảo quản tài sản để thực hiện hành vi cướp giật. Hầu hết các nạn nhân là nữ giới, đi một mình vào thời điểm giữa trưa hoặc ban đêm tại khu vực đường vắng. Các nạn nhân đều để điện thoại sơ hở, hoặc sử dụng điện thoại khi đang lái xe, treo túi xách ở khu vực để chân hoặc đeo trên người. Thậm chí, có trường hợp đeo nữ trang như vòng cổ, hoa tai có giá trị mà không che chắn cũng tạo điều kiện cho các đối tượng áp sát và cướp giật.

Quá trình điều tra các vụ án cướp giật tài sản, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng ngày càng tinh vi trong thủ đoạn hoạt động. Chúng thường che hoặc dùng xe không biển số, đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng để khó bị nhận diện. Sau khi gây án, đối tượng thường di chuyển qua nhiều địa bàn, đường ngõ nhỏ để né tránh camera quan sát. Chính vì vậy, để phòng ngừa hiệu quả, người dân cần có ý thức bảo vệ tài sản cá nhân, nên mặc quần áo che chắn tài sản khi ra đường, không treo móc tài sản tại giỏ xe hay các vị trí móc ở khu vực để chân; nên lắp gương chiếu hậu nhằm quan sát các đối tượng khả nghi phía sau. Bởi lẽ, các đối tượng thường đeo bám “con mồi” trong một thời gian nhất định, chờ thời cơ thuận lợi để gây án. Vậy nên nếu chú ý quan sát, người dân có thể phát hiện đối tượng nghi vấn. Ngoài ra, khi bị cướp giật, người dân nên bình tĩnh ghi nhớ các đặc điểm nhận dạng của đối tượng và trình báo vụ việc đến cơ quan công an để phối hợp điều tra.

Ông Vũ Đình Thuận (70 tuổi, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội): Cảnh báo thường xuyên hoạt động của tội phạm

Thông qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra một số vụ cướp giật tài sản của người đi đường. Dù tỷ lệ không nhiều, nhưng những vụ việc này chủ yếu là do người dân quá sơ hở tạo điều kiện cho các đối tượng có cơ hội gây án. Sau khi trình báo, các vụ cướp giật tài sản có tỷ lệ điều tra khám phá cao. Lực lượng công an cơ sở có nhiều biện pháp tuyên truyền phòng ngừa, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ tài sản cá nhân của nhân dân.

Tại các ngân hàng, sau khi giao dịch, tôi thấy một số ngân hàng có dán thông báo cảnh báo tội phạm cướp giật để người dân chú ý phòng ngừa. Cùng với đó, tại các khu dân cư, trường học, lực lượng công an cơ sở cũng phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản; cập nhật thường xuyên các thủ đoạn, mánh khóe mới của tội phạm để người dân cảnh giác, phòng ngừa; những tờ rơi, thông báo tội phạm cũng được dán tại các khu dân cư, nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân biết. Để hạn chế thấp nhất việc trở thành nạn nhân của tội phạm cướp giật tài sản, cách tốt nhất, hiệu quả nhất chính là ý thức phòng ngừa của người dân phải nâng cao.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CAQ Long Biên): Tích cực phối hợp với cơ quan công an

Đối tượng cướp giật tài sản tại cửa hàng vàng trên phố Vũ Xuân Thiều, quận Long Biên bị lực lượng công an cùng nhân dân bắt giữ

Có một thực tế là hiện nay không ít nạn nhân sau khi bị giật túi xách, dây chuyền vàng, điện thoại, ví... đã không đến cơ quan công an trình báo do ngại phiền phức, mất thời gian, đây là điều rất đáng tiếc. Về quyền lợi, nếu trình báo thì sau khi lực lượng công an bắt được đối tượng, bị hại có thể lấy lại được hoặc nhận được đền bù khi kẻ gây án bị đưa ra xét xử. Đây cũng là trách nhiệm chung với xã hội, cộng đồng của mỗi công dân, việc trình báo sẽ giúp cơ quan điều tra nắm được tình hình an ninh trật tự địa phương, dự báo về diễn biến phức tạp của các đối tượng tội phạm, đồng thời lập phương án đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả để tránh tái diễn những vụ việc tương tự.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chu-dong-phong-ngua-toi-pham-cuop-giat-tai-san-post580518.antd