Chủ động phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2021

Sáng 27-4, tại Hà Nội, T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phối hợp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2021.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Sáng 27-4, tại Hà Nội, T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phối hợp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2021.

Hội nghị là dịp để Hội CTĐ Việt Nam, các đại biểu, tổ chức đánh giá, tổng kết, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những chương trình, mô hình hay, công tác điều phối, phối hợp trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh năm 2020. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cấp Hội rà soát, chuẩn bị các nguồn lực; vận động nguồn lực từ các đối tác trong và ngoài phong trào để có thể chủ động trong các hoạt động cả giai đoạn phòng ngừa và ứng phó.

Năm 2020, thiên tai xảy ra trên diện rộng với nhiều loại hình, đặc biệt mưa lũ miền trung đã gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề. Đồng thời, đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân.

Để kịp thời hỗ trợ người dân miền trung bị ảnh hưởng mưa lũ trong giai đoạn khẩn cấp và phục hồi, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trợ giúp tiền và hàng hóa.

Bên cạnh công tác ứng phó thiên tai, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Hội đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ trang thiết bị (khẩu trang, quần áo phòng chống dịch, xà-phòng, dung dịch sát khuẩn…) tới người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân một số nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm họa và đại dịch Covid-19 năm 2020 đạt gần 800 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người.

Để sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 trong năm 2021, Hội CTĐ Việt Nam đã chủ động xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và chỉ đạo toàn hệ thống chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực dự phòng, đa dạng hàng cứu trợ (thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà, viên lọc nước, tấm bạt dựng nhà tạm...), kịp hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp; phổ biến rộng rãi hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thiên tai, thảm họa, quy trình cấp phát tiền mặt... đến các cấp Hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó khẩn cấp; triển khai mô hình đầu tư tài chính dựa trên dự báo (FbF) đối với nắng nóng và xây dựng mô hình tương tự với bão, lụt; xây dựng chuỗi cung ứng hậu cần bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả; triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông từ T.Ư tới địa phương.

MINH THÚY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/chu-dong-phong-ngua-ung-pho-tham-hoa-nam-2021-643593/