Chủ động phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống
Tỉnh Lâm Đồng đã chủ động trong công tác triển khai phòng, chống các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống (ANPTT), qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhận xét, đánh giá trên được nêu tại buổi “Tọa đàm về công tác ứng phó với nguy cơ đe dọa ANPTT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” diễn ra tại TP Đà Lạt vào ngày 9/8 vừa qua. Tọa đàm do Ban Chỉ đạo Xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về ANPTT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Lâm Đồng là tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, có địa hình đồi núi, độ cao trung bình từ 800-1500 m so với mực nước biển. Đây là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên không có đường biên giới với các nước láng giềng; và giáp ranh với 7 tỉnh, gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Là địa bàn có đất đai trù phú, màu mỡ, núi non thiên nhiên hùng vĩ, có điều kiện về phát triển đa dạng các loại cây trồng, nhất là phát triển du lịch.
Không chỉ vậy, Lâm Đồng còn có mạng lưới sông, suối khá dày đặc, tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các thủy điện vừa và nhỏ, tạo dư địa cho việc bảo đảm an ninh năng lượng. Khoáng sản cũng là một trong những điểm lợi thế của tỉnh, với khoảng 25 loại, trong đó Bauxite - nhôm có trữ lượng rất lớn, với khoảng hơn 1 tỷ tấn và rất nhiều loại khoáng sản khác có khả năng khai thác ở quy mô công nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu đãi về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh…, cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức cho địa phương. Nổi lên, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã làm thay đổi phương thức hoạt động của con người, làm bùng nổ hoạt động của con người trên không gian mạng, các hệ loại đối tượng có hoạt động xâm phạm đến an ninh quốc gia triệt để lợi dụng để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động chống phá trên không gian mạng...
Trong khi đó, những vấn đề ANPTT có nguồn gốc từ con người cũng là một thách thức lớn với địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 tôn giáo khác nhau đang hoạt động, với hơn 741 ngàn người theo các tôn giáo, cơ bản đều hoạt động tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, một số tôn giáo chú trọng phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các tà đạo, đạo lạ lợi dụng sơ hở, thiếu sót của pháp luật gia tăng hoạt động lôi kéo, phát triển lực lượng…, dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng đến ANPTT.
Chưa kể, tình trạng di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc vào các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương, chủ yếu tập trung tại vùng rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng; tình trạng di cư về “làng cũ” của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ trên địa bàn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến ANPTT trên địa bàn…
Đặc biệt, trên không gian mạng ẩn chứa rất nhiều thách thức, phức tạp, nguy cơ đe dọa đến chủ quyền, an ninh quốc gia. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.000 hội, nhóm tạo lập ở tất cả các mặt đời sống xã hội, trong đó có gần 200 hội, nhóm cộng đồng mạng có số người theo dõi lớn, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến ANTT, nếu không được quản lý, giám sát hiệu quả rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Các tổ chức trong và ngoài nước thì tăng cường sử dụng không gian mạng tiến hành các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kêu gọi, kích động biểu tình, bạo loạn, nói xấu Đảng, Nhà nước; tuyên truyền rao giảng các luận điệu sai trái, thù địch. Tuy sự ra đời của Luật An ninh mạng đã tạo hành lang pháp lý cho việc đấu tranh, xử lý hoạt động vi phạm trên không gian mạng, nhưng các đối tượng sử dụng các ứng dụng có độ bảo mật cao, hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài để liên lạc, hoạt động và trở thành nguy cơ đe dọa đến ANPTT.
Từ thực tế trên, thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo về phòng, chống khủng bố tỉnh; Ban Chỉ đạo về đảm bảo an ninh an toàn trên không gian mạng; Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai, lụt bão tỉnh…
Kết quả triển khai các mặt công tác, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người tại địa bàn cơ sở đạt hiệu quả. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Các Ban chỉ đạo của tỉnh phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu, giúp UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các quyết sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ tỉnh; tuyên truyền, vận động, tham gia đấu tranh với các hoạt động vi phạm pháp luật.
Riêng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt là lực lượng đấu tranh, bảo vệ vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân; đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh, đấu tranh xử lý tội phạm. Chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Và tích cực phòng ngừa, ngăn chặn với các đe dọa ANPTT trên địa bàn. Qua đó, thực hiện mục tiêu đảm bảo quyền con người, “An ninh con người”, ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề có liên quan đến tội phạm, mua bán người để kích động, bôi nhọ, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền của các thế lực thù địch, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.