Chủ động phòng tránh bệnh Whitmore

Những ngày qua, thông tin nhiều người mắc bệnh Whitmore nhập viện khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng. Theo các chuyên gia y tế, đây là căn bệnh không mới, không lây từ người sang người và không gây thành dịch. Tuy nhiên, bệnh Whitmore là căn bệnh khá nguy hiểm, khó chữa nên người dân cần hết sức đề phòng.

 Nuôi cấy phân lập vi khuẩn Whitmore tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Nuôi cấy phân lập vi khuẩn Whitmore tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cận lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỉ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Trên thế giới, ca nhiễm bệnh Whitmore đầu tiên được phát hiện tại Burma, Myanmar vào năm 1911 bởi nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore (vì thế tên bệnh thường được gọi là Whitmore). Tại Việt Nam, năm 1925 ca nhiễmmelioidosisđầu tiên được phát hiện tại Viện Pasteus, sau đó ghi nhận ở Hà Nội và Huế vào năm 1928 và 1936. Việt Nam là nơi thứ 4 trên thế giới phát hiện ca nhiễm melioidosis sau Myanmar (1911), Malaysia (1917), Singapore (1922). Hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh Melioidosis tại Việt Nam, có ghi nhận số mắc tại nhiều địa phương và các trường hợp nhập viện điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong tháng 8/2019, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận 12 bệnh nhân nhiễm căn bệnh này trong đó có 4 người tử vong. Một số địa bàn các tỉnh như Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Nghệ An… đã có người mắc bệnh.

Vi khuẩn B. pseudomallei khi vào cơ thể có sẽ thâm nhập vào các bộ phận của cơ thể, thường gặp là ở phổi. Bên cạnh đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa… Bệnh Melioidosis gặp ở tất cả các độ tuổi, cả nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Bệnh Melioidosis dễ bị mắc ở những người có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch… Các yếu tố nguy cơ của bệnh đã được ghi nhận trong rất nhiều nghiên cứu, 80% người bị bệnh Melioidosis có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ, điều đó cân nhắc rằng Melioidosis có thể là một nhiễm trùng cơ hội. Các yếu tố nguy cơ đối với bệnh Melioidosis gồm đái tháo đường (ở 23- 60% bệnh nhân), nghiện rượu (ở 12- 39%), bệnh phổi mãn tính (ở 12- 27%), bệnh thận mãn tính (ở 10- 27%), thalassemia (ở 7%), điều trị với glucocorticoid (< 5%) và ung thư (< 5%).

Người bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore thường bị sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ khớp, đau đầu và co giật. Nếu nhiễm trùng phổi thì gây viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng, người bệnh có thể bị sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ nói chung. Khi nhiễm trùng trên da sẽ có các dấu hiệu như đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, các triệu chứng có thể bao gồm sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng. Whitmore được coi là “kẻ mạo danh” vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu hoặc dịch não tủy. Để chẩn đoán bệnh Melioidosis dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm. Điều trị căn nguyên gây bệnh Melioidosis bằng sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei. Kèm theo đó là điều trị các triệu chứng và các biến chứng kèm theo và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Melioidosis.

Khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị là một trong thành viên của mạng lưới nghiên cứu bệnh Melioidosis tại Việt Nam (Do Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Viện Vi sinh vật - Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ nhiệm đề tài). Từ năm 2015 đến nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phân lập trên 50 chủng Whitmore, riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã phân lập 13 chủng Whitmore trên 9 bệnh nhân. Theo Tiến sĩ Trịnh Thành Trung và nhóm nghiên cứu bệnh Whitmore tại Việt Nam, Quảng Trị là một trong những tỉnh nằm trong vùng dịch tể của bệnh melioidosis. Thạc sĩ Đào Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần thực hiện các biện pháp như: Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời”.

Phan Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142616