Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ hè thu

Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh gieo cấy được hơn 23.000 ha lúa. Hiện cây lúa đang ở giai đoạn làm đòng - trổ bông. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng lúa cả vụ. Để bảo đảm cho cây lúa phát triển tốt, các cơ quan chuyên môn đang tích cực hướng dẫn nông dân chủ động theo dõi và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại.

 Phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại lúa - Ảnh: L.A

Phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại lúa - Ảnh: L.A

Trao đổi với chúng tôi khi đang kiểm tra ruộng lúa đang vào thời kỳ trổ bông, ông Lê Văn Thanh ở Hợp tác xã (HTX) Thiện Đông, xã Hải Định, huyện Hải Lăng cho biết, so với những năm trước thì vụ hè thu năm nay làm sớm, nước tưới đầy đủ, cây lúa cũng phát triển tốt hơn. Hiện cây lúa đang bước vào giai đoạn trổ bông nên cùng với bón phân để tăng cường dinh dưỡng, giúp cây lúa trổ bông khỏe, cho năng suất cao, ông còn tăng cường kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sâu bệnh xảy ra, tránh không để ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch cuối vụ.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn cho biết, hiện toàn bộ gần 6.900 ha lúa trên địa bàn huyện đang ở giai đoạn ôm đòng - trổ bông - chín, trong đó diện tích lúa đã trổ khoảng 4.200 ha. Với điều kiện thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho cây lúa phát triển đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng nếu không được phòng trừ kịp thời. Theo ông Tuấn, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, các địa phương cần thường xuyên thăm đồng để phòng trừ kịp thời.

Trong đó, lưu ý đối với sâu cuốn lá nhỏ do thời vụ hè thu các trà lúa không đồng nhất, sâu cuốn lá gây hại nhiều lứa gối nhau nên cần tiến hành phun trừ khi mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên, thời điểm phun sau khi bướm ra rộ 5 - 7 ngày. Thường xuyên theo dõi diễn biến của rầy giai đoạn trước và sau trổ đến cuối vụ; nơi nào có mật độ rầy cao từ 750 con/m2 trở lên cần khoanh vùng phun trừ kịp thời không để lây lan, sau khi phun nếu thấy rầy vẫn còn phát triển thì phun lần 2 với loại thuốc có hoạt chất khác với thuốc phun lần 1. Ngoài ra, cần lưu ý bệnh khô vằn, đốm nâu, bệnh đạo ôn, nhện gié… phát sinh và gây hại.

Tại huyện Triệu Phong, trao đổi với chúng tôi, Trạm trưởng Trạm TT&BVTV liên huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị Nguyễn Hữu Hằng cho biết, hiện nay cây lúa trên địa bàn quản lý đang ở giai đoạn làm đòng - trổ, diện tích lúa trổ khoảng 300 ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra thăm đồng đã phát hiện khoảng 45 ha lúa bị nhiễm rầy, trong đó có 5 ha bị hại nặng với mật độ trung bình từ 500 - 1.000 con/m2 , nơi cao 2.000 - 3.500 con/m2 , tập trung chủ yếu ở các xã Triệu Độ, Triệu Đại, Triệu Hòa, Triệu Tài, Triệu Thành...; đặc biệt là trên các giống lúa thơm như HC95, Bắc Thơm 7…

Sâu cuốn lá nhỏ cũng đã xuất hiện với mật độ trung bình 2 - 3 con/m2 ; bệnh khô vằn gây hại trên diện tích 225 ha, tỉ lệ bệnh trung bình 20 - 30%, nơi cao lên đến 50 - 60%. Bên cạnh đó, các đối tượng dịch hại khác như nhện gié, sâu đục thân, bệnh vàng lá nghẹt rễ, bệnh thối thân thối bẹ… cũng phát sinh gây hại rải rác.

Theo ông Hằng, để đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt, ngoài tập trung chăm sóc cây lúa, bón bổ sung hoặc phun phân bón lá cho những ruộng sinh trưởng kém, vàng do thiếu phân, đảm bảo ruộng đủ nước trong suốt thời gian lúa làm đòng và trổ, các địa phương cần tăng cường thăm đồng thường xuyên, kiểm tra tình hình dịch hại để phòng trừ kịp thời. Trong đó, lưu ý kiểm tra mật độ rầy trên tất cả các giống, đặc biệt là các giống nhiễm nặng như HC95, Dự Hương 8, Bắc Thơm 7..., ruộng có biểu hiện sinh trưởng kém, chuyển vàng...; phun trừ rầy ở những nơi có mật độ rầy cao từ 750 con/m2 trở lên.

Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV, vụ hè thu toàn tỉnh gieo cấy hơn 23.000 ha lúa. Hiện toàn tỉnh có 429 ha lúa bị chuột gây hại, 249 ha nhiễm bệnh khô vằn; 146 ha nhiễm rầy với mật độ rầy phổ biến 800 - 1.500 con/m2 , nơi cao 2.000 - 3.500 con/m2 ; ngoài ra, nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ,… phát sinh gây hại một số vùng. Dự kiến trong thời gian tới, với điều kiện thời tiết nắng nóng, xen kẽ có mưa rào và dông sẽ rất thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, gây hại nặng; đặc biệt là rầy nâu và rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh gây hại nhiều vùng, có thể hại nặng lúa giai đoạn trổ - chín, ảnh hưởng đến năng suất nếu không phòng trừ kịp thời.

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra trên lúa vụ hè thu, đơn vị đã cử cán bộ tăng cường bám sát đồng ruộng, chủ động phối hợp với các địa phương kiểm tra thăm đồng, phát hiện và hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ các đối tượng sâu bệnh.

Trong đó, khẩn trương tiến hành phun thuốc trừ rầy ở những nơi mật độ từ 750 con/ m2 trở lên, đối với những ruộng có mật độ rầy quá cao thì sau 3 ngày kiểm tra lại nếu mật độ vẫn cao tiến hành phun lần 2. Phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ khi sâu non tuổi 1, 2 hoặc sau khi bướm ra rộ 5 - 7 ngày. Phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn tránh để bệnh lây lan ra diện rộng.

Phun thuốc phòng trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn sau những trận mưa, nhất là mưa giông và trên các giống nhiễm nặng. Ngoài ra, nông dân cũng cần chủ động kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện sớm triệu chứng của nhện gié, nhất là trên các chân ruộng cao, thiếu nước, gieo dày, giống nhiễm như ST24, ST25, HN6…; duy trì diệt chuột bằng nhiều biện pháp; theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng dịch hại khác như bệnh lúa von, lem lép hạt, lùn sọc đen, thối thân thối bẹ, đốm nâu, sâu đục thân… để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thiệt hại năng suất cuối vụ.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169380&title=chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-lua-vu-he-thu