Thị trường bình ổn sau tăng lương
Trước thời điểm tăng lương không xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ; sau thời điểm tăng lương, giá các mặt hàng thiết yếu hầu như không biến động là tín hiệu thị trường Thừa Thiên Huế những ngày qua.
Mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30% từ ngày 1/7, cụ thể là từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%. Cũng như những lần tăng lương trước đây, nỗi lo giá cả hàng hóa tăng theo lương cũng hiện hữu. Nhưng qua khảo sát sơ bộ, ít nhất đến thời điểm hiện tại, thị trường Thừa Thiên Huế chưa có xáo động đáng kể do lương tăng.
Cụ thể, tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị, hầu hết các mặt hàng thiết yếu giá cả ổn định từ đầu vào lẫn đầu ra.
Điểm qua một số siêu thị trên địa bàn tỉnh, sau ngày 1/7, giá niêm yết các mặt hàng tại các siêu thị không thay đổi so với trước. “Ai tăng mô tui không biết, chứ về phần chúng tôi, do đã ký hợp đồng nên giá nhập cho siêu thị vẫn như mấy tháng trước đây, không thay đổi”, chị Nguyễn Thị Hương, một đầu mối cung cấp rau ăn lá cho siêu thị Co.opmart Huế cho hay.
“Sau khi hết hạn hợp đồng cung cấp hàng cho siêu thị, có thể các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất sẽ có động thái điều chỉnh giá nếu nguyên liệu đầu vào, nhân công… có biến động. Nhưng hiện tại, giá các mặt hàng cung cấp cho siêu thị vẫn giữ nguyên, đồng nghĩa, hàng hóa tại siêu thị khi tới tay người tiêu dùng giá không thay đổi so với trước”, bà Dương Thị Tuất – Giám đốc siêu thị Co.opmart Huế nói.
Trước ngày 1/7, chị Diễm Quỳnh – một viên chức tại TP. Huế lo lắng, nếu tính thêm 30% theo bảng lương mới, tổng thu nhập của vợ chồng chị gần 25 triệu đồng/tháng, cuộc sống không đến nỗi chật vật, nhưng đó là với điều kiện vật giá không tăng theo lương, hoặc nếu có thì chỉ trong khoảng 5-7%.
Nỗi lo của chị Quỳnh cũng là nỗi lo của nhiều người. Dẫu vậy, ở thời điểm hiện tại (ngày 3/7), dạo quanh một số chợ truyền thống trên địa bàn, như: An Cựu, Bến Ngự, chợ Xép, chợ Cống…, hầu hết giá một số mặt hàng thiết yếu, như rau, thịt, cá, tôm… không thay đổi.
Theo đó, trừ thịt ba chỉ tăng lên 10 ngàn đồng và tăng cách đây 2 tháng, giá các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên, cụ thể: thịt bò 250 ngàn đồng/kg; sườn heo 140 ngàn đồng/kg; tôm sú 220-280 ngàn đồng/kg tùy kích cỡ; tôm đất 220-350 ngàn đồng/kg tùy kích cỡ; cá kình 200-300 ngàn đồng/kg, cá đối 100-140 ngàn đồng/kg, cá nục 60-80 ngàn đồng/kg… tùy kích cỡ; rau muống 10 ngàn đồng/bó, rau cải 12 ngàn đồng/bó, thơm 25k ngàn đồng/kg, cà chua 50-70 ngàn đồng/kg, hành củ 60 ngàn đồng/kg…
Số liệu từ Chi cục Thống kê tỉnh, trong tháng 6/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 4.781 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.408,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 27.355,3 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ; trong đó, bán lẻ hàng hóa đạt 19.832,6 tỷ đồng, chiếm 72,5%, tăng 12,1% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 5.253,6 tỷ đồng, chiếm 19,2%, tăng 14,6%.
Những chỉ số này cho thấy nền kinh tế của tỉnh tiếp tục trên đà phục hồi. Riêng trong tháng 6, các lễ hội văn hóa, thể thao, như: Festival Huế, Chợ quê ngày hội, Ngày hội thể thao vì sức khỏe cộng đồng… cũng đóng góp nhiều trong kích cầu du lịch, tiêu dùng, lưu trú…
Trở lại với câu chuyện tăng lương, theo nhiều DN trên địa bàn tỉnh, sau lần tăng lương này, dự đoán giá một số mặt hàng có thể tăng theo, nhưng chủ yếu là xa xỉ phẩm, mức tăng khoảng 20% trở lại. Tuy nhiên, điều này chỉ tác động đến một nhóm nhỏ người tiêu dùng chứ không phải đa số.
“Trong khi đó, thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu rất phong phú, đa dạng, nhiều phân khúc và giá cạnh tranh. Như mỳ ăn liền, dầu ăn, sữa, gạo… mỗi mặt hàng có hàng chục loại với giá cả khác nhau, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn tùy nhu cầu, điều kiện nên cũng không tác động quá nhiều đến đời sống người lao động”, một DN nhận định.