Chủ động, quyết liệt, trách nhiệm, linh hoạt kịp thời ứng phó với bão, lũ

Cơn bão Yagi và hoàn lưu của bão gây mưa, lũ lớn, có sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào Việt Nam. Đối với tỉnh Ninh Bình, mưa lớn cộng với lũ trên thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt trên diện rộng ở những khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp, thủy sản ngoài đê và áp lực lên các tuyến đê trọng điểm của tỉnh. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo từ sớm, từ xa, kịp thời, sâu sát; phản ứng chính xác, quyết liệt, khoa học; sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh để triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra điểm xung yếu tuyến đê tả Hoàng Long tại địa bàn xã Gia Phú (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra điểm xung yếu tuyến đê tả Hoàng Long tại địa bàn xã Gia Phú (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Trên dưới đồng lòng

Khi những dòng nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy dâng cao với mức 4,9m, nguy cơ phải xả tràn hiện hữu, Ninh Bình đã kịp thời nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng và đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đối với tỉnh Ninh Bình; sự hướng dẫn kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và địa phương đã dự báo chính xác kịp thời, chính xác để địa phương nắm chắc tình hình và có các biện pháp ứng phó phù hợp.

Với tinh thần chủ động, phòng ngừa từ sớm, từ xa, Ninh Bình đã thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tỉnh đã ban hành 5 công điện, 1 Lệnh di dân; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra và phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh bám sát địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra.

13 giờ ngày 12/9/2024, khi mực nước lũ đạt 4,9m tại Bến Đế, theo Phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Lệnh di dân khu vực xả tràn Lạc Khoái. Các lực lượng đã phối hợp hỗ trợ 8.232 hộ dân với khoảng 30.000 nhân khẩu ở 12 xã trên địa bàn huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn di dời đến nơi đảm bảo an toàn.

Thường trực Tỉnh ủy cũng đã tổ chức họp khẩn với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các sở, ngành liên quan và 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn về kịch bản ứng phó với tình hình lũ trên sông Hoàng Long; thống nhất quan điểm nhận định tình hình, diễn biến lũ sẽ diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, cộng thêm tổ hợp triều cường, nước từ trên thượng nguồn vùng Hòa Bình đổ về lớn và mực nước lũ trên sông Đáy tiếp tục tăng cao; hệ thống đê và các công trình trên đê từ năm 2017 đến nay qua thời gian sử dụng đã xuất hiện một số điểm xung yếu, có nguy cơ gây mất an toàn, cao trình một số đoạn thấp do diễn biến địa chất, lưu lượng xe lớn, thường xuyên.

Trước thực tiễn trên, Ninh Bình đã chủ động chuẩn bị nhiều phương án ứng phó, với tình huống xấu nhất là phải xả lũ tràn Lạc Khoái, xả tràn Đức Long Gia Tường và mở cống Mai Phương Địch Lộng... để cắt lũ sông Hoàng Long, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê, dân cư, phát triển kinh tế khu vực Tả sông Hoàng Long, nơi tập trung các nhà máy sản xuất của 2 KCN và 3 CCN đang hoạt động, đóng góp khoảng 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Bài toán được đặt ra lúc này không phải là "được và mất" mà là "cuộc sống người Nhân dân phải đặt lên hàng đầu". Nếu phải xả lũ tại các điểm trên sẽ gây ảnh hưởng đến trên 200 nghìn người dân ở địa bàn 6/8 huyện, thành phố của tỉnh, gây thiệt hại vô cùng lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng và mất nhiều thời gian khắc phục. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Ninh Bình đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nếu bắt buộc phải xả tràn sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đã có ý kiến cho rằng "xả tràn non" là biện pháp tốt nhất để bảo vệ đê. Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu Thường trực và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, các địa phương tập trung cao trí tuệ của tập thể, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, hợp lý, trên cơ sở thực tiễn và nhất quán quan điểm không chủ quan, nóng vội, cộng với kinh nghiệm nhiều năm qua của địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ, Ninh Bình đã bình tĩnh xử lý các tình huống theo phương án, kịch bản đề ra; bố trí lực lượng kiểm tra theo dõi đê toàn tuyến 24/24 giờ "không có khoảng trống, không có thời gian nghỉ", tập trung cao cho đê sông Hoàng Long, đê sông Bôi, có phương án xử lý ngay những điểm xung yếu; đảm bảo phương tiện, vật tư, trang thiết bị để thực hiện tuần tra canh gác đê; vận hành hợp lý các công trình phân lũ, chậm lũ nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đê. Các ngành, địa phương, 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn tiếp tục theo dõi mực nước lũ tại trạm Hưng Thi và các yếu tố tác động liên quan đến lũ trên sông Hoàng Long để triển khai các phương án phù hợp với thực tế trên tinh thần chủ động, không chủ quan.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền cho Nhân dân nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của mưa lũ để chủ động, không hoang mang, dao động, chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, khuyến cáo của chính quyền cũng như tham gia cùng với Nhà nước trong việc ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra trên các tuyến đê. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của Nhân dân khi di dời.

Đặc biệt, với tinh thần "4 tại chỗ", Ninh Bình đã tập trung huy động đầy đủ lực lượng bao gồm quân đội, công an, lực lượng tại chỗ và dân quân trực tuần tra các tuyến đê và sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Ngay trong đêm 12/9, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra các tuyến đê trên địa bàn huyện Gia Viễn, Nho Quan và kiểm tra công tác tổ chức ứng trực của các địa phương. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra các điểm xung yếu trên đê tả Hoàng Long, huyện Gia Viễn và tuyến đê Đức Long-Gia Tường, huyện Nho Quan; động viên các lực lượng trực tuần tra đê; các ngành, địa phương tiếp tục giữ vững tinh thần, chủ động, linh hoạt trong xử lý các tình huống, với phương châm an toàn của Nhân dân phải đặt lên hàng đầu.

Rất may mắn và thuận lợi cho tỉnh Ninh Bình, trong ngày 12/9 thời tiết thuận lợi, thượng nguồn không mưa nữa, đồng thời với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, khoa học của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm xả nước tại các hồ thủy điện; đến 22 giờ ngày 12/9 mực nước tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m, dưới ngưỡng xả lũ theo phương án của tỉnh Ninh Bình (mức 5,3m). Với việc không phải xả lũ đã đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản cho Nhân dân, Nhà nước và giảm thiệt hại cho tỉnh Ninh Bình hàng nghìn tỷ đồng.

Khẩn trương tái thiết cuộc sống cho người dân vùng lũ

Như vậy với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, toàn diện của Đảng, sự chủ động, quyết liệt, tập trung, khoa học của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, nhất quán của các sở, ngành, địa phương, sự ủng hộ đồng lòng của doanh nghiệp và Nhân dân, Ninh Bình đã ứng phó hiệu quả, kịp thời các tình huống có thể xảy ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra. Ninh Bình đã không có thiệt hại về người, tất cả các hộ dân tại khu vực nguy cơ ảnh hưởng đã được di dời đến nơi an toàn. Hệ thống đê điều, trạm bơm, hồ đập, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc của tỉnh vẫn vận hành an toàn, liên tục, đảm bảo chống lũ, tiêu úng, cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân.

Một số thiệt hại ban đầu được thống kê do lũ lên cao đã gây ra ngập lụt, chia cắt giao thông đi lại đối với các hộ dân cư có nhà ở ngoài đê và gây hư hại đối với một số công trình. Toàn tỉnh có 3.682 nhà ở ngoài đê bị ngập sâu khoảng 1-2m, chủ yếu ở huyện Gia Viễn và Nho Quan; tuyến đường 477 đoạn đầu cầu huyện Nho Quan ngập khoảng 200m; sạt chân mái đê Hữu Đáy phía đồng dài 60m tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn; nứt bể xả tại trạm bơm Gia Trấn... Ước thiệt hại ban đầu do bão và mưa lũ trên địa bàn tỉnh trên 50 tỷ đồng.

Không chủ quan với các tình huống thiên tai có thể xảy ra sau bão, lũ, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung theo dõi diễn biến lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy; phân công, cắt cử các lực lượng tuần tra, kiểm tra liên tục 24/24 giờ trên các tuyến đê để kịp thời phát hiện sự cố và thực hiện các phương án ứng phó theo kịch bản đã được phê duyệt.

Ngay sau khi nước lũ rút, tỉnh đã chỉ đạo, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả, đảm bảo sớm ổn định đời sống Nhân dân. Đặc biệt là khôi phục sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi. Triển khai ngay các giải pháp đảm bảo môi trường, an sinh xã hội, giáo dục, y tế cho Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng... Động viên các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp tục triển khai đẩy mạnh sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; tập trung đẩy mạnh động lực tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; ổn định thị trường và phát triển kinh tế, phấn đấu đảm bảo tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế năm 2024 và cả nhiệm kỳ.

Về lâu dài, tỉnh Ninh Bình cũng kiến nghị Chính phủ xem xét: Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Ninh Bình đã đề xuất các giải pháp cụ thể để ứng phó với thiên tai, nhằm xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ, đảm bảo đời sống ổn định cho gần 25.000 hộ dân với khoảng 100 nghìn nhân khẩu. Đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh sử dụng, phát huy giá trị gần 15.000ha vùng phân lũ, chậm lũ thuộc 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn để phục vụ phát triển kinh tếxã hội theo hướng nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tăng cường khả năng tiêu, thoát lũ nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu trong những giai đoạn mưa, lũ lớn kéo dài, tỉnh đề nghị Trung ương triển khai thực hiện nạo vét, chỉnh trị khu vực Cửa Đáy. Với mục tiêu tái thiết bền vững cho vùng lũ, Ninh Bình cũng đề nghị Trung ương có chính sách chung hoặc giao cho tỉnh ban hành chính sách để thực hiện di dời các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, nhất là trong vùng Di sản.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-dong-quyet-liet-trach-nhiem-linh-hoat-kip-thoi-ung-pho/d20240915223219555.htm