Chủ động thích nghi

Sự bùng nổ của công nghệ và quá trình chuyển đổi số nhanh chóng của ngành ngân hàng (NH) đang kéo theo làn sóng cắt giảm nhân sự.

Làn sóng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Đây là xu hướng chung trên toàn thế giới và diễn ra ở nhiều ngành khác nhau, từ công nghệ, tài chính, ngân hàng, chứng khoán…

Nếu trước đây, các giao dịch đều phải ra quầy, chi nhánh NH thì hiện rất nhiều khâu - từ mở tài khoản, gửi tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn… - đều có thể thực hiện online. Việc các NH ứng dụng chuyển đổi số, nhiều công việc chuyển lên môi trường online nên số lượng nhân viên giảm đi.

Trước đây, nhiều chi nhánh có cả trăm người, sau này các NH đã cắt giảm chỉ còn một nửa, thậm chí ít hơn. Bởi số lượng khách hàng đến các chi nhánh, phòng giao dịch trực tiếp cũng giảm dần khi nhiều hoạt động được thông qua NH số, giao dịch trên điện thoại.

Xu hướng này đang giúp các NH, doanh nghiệp (DN) ở các ngành cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả, tái cấu trúc nguồn nhân lực tốt hơn. Đối với ngành đang đi đầu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ như NH, quá trình này diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Thống kê của NH Nhà nước cho thấy tại nhiều NH thương mại ghi nhận tỉ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97%-98%. Tỉ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành NH vẫn đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch.

Trong 11 tháng của năm 2024, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 56% về số lượng và 33% về giá trị, nhất là giao dịch thanh toán qua QR Code tăng 106% về số lượng và 84% về giá trị. Nhìn từ góc độ hiệu quả kinh doanh, năm 2024, biên lợi nhuận (NIM) của các NH giảm nhưng vẫn lãi lớn - một phần đến từ giải pháp tinh gọn nhân sự.

Không ít NH báo lãi cao nhất từ khi hoạt động tới nay, số lượng NH báo lãi vượt 20.000 tỉ đồng cũng nhiều năm. Xu hướng tinh gọn nhân sự đi cùng với quá trình chuyển đổi số sẽ còn tiếp tục diễn ra, lan tỏa ở nhiều nhóm ngành và DN khác. Chuyển đổi số đang là cuộc đua sống còn với các DN, để nâng cao năng lực cạnh tranh, trụ lại trên thị trường.

Năm 2025, kinh tế Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% và ngành NH hướng tới mốc tăng trưởng tín dụng cao hơn khoảng 16%. Hệ thống tổ chức tín dụng không có thêm NH nào mới được cấp phép nên dư địa tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hằng năm là rất lớn.

Nhiều NH vẫn tiếp tục tăng trưởng về thị phần, số lượng khách hàng, doanh thu mà không cần phải mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch vì ứng dụng số hóa giúp NH tăng khả năng phục vụ khách hàng online.

Tại các nước, xu hướng giảm nhân sự sau khi đầu tư vào công nghệ đã diễn ra từ khoảng 1 - 2 năm nay, với hàng loạt tập đoàn công nghệ như Google, Facebook, Amazon hay các NH ở Mỹ… đã cắt giảm cả chục ngàn nhân sự.

Số lượng cắt giảm là rất lớn. Ngược lại với khối nhân sự văn phòng hay giao dịch viên bị cắt giảm, nguồn nhân lực về công nghệ sẽ tăng lên rất nhiều. Không chỉ các NH phát triển NH số với nguồn nhân lực hàng trăm người mà ở từng DN cũng đầu tư mạnh mẽ cho bộ phận này.

Các DN tuyển thêm nhân sự cho mảng công nghệ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ở chiều ngược lại, người lao động phải làm quen với công nghệ mới nhanh hơn, cập nhật, trau dồi kỹ năng để thích nghi. Khi đó, mới có thể tránh bị "cơn lốc" này cuốn đi.

Theo Lam Giang ghi (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-dong-thich-nghi-post312596.html