Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành ý thức khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ các nguồn tài nguyên, môi trường.

Hướng dẫn cách sử dụng phân bón hữu cơ chăm sóc cây ăn quả tại HTX Ngọc Lan, huyện Mai Sơn.

Hướng dẫn cách sử dụng phân bón hữu cơ chăm sóc cây ăn quả tại HTX Ngọc Lan, huyện Mai Sơn.

Sơn La có địa hình phức tạp với các hệ thống núi chia cắt, hình thành các tiểu vùng khí hậu khác nhau nên chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), làm ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Để chủ động thích ứng với BĐKH, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện, lồng ghép đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, tích hợp hoặc lồng ghép vào quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo mức độ tối thiểu các rủi ro.

Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về ứng phó BĐKH được quan tâm chú trọng, giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh tổ chức trên 500 lớp tập huấn, hội thảo, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH cho trên 20.000 lượt người. Ngoài ra, các cấp, ngành tăng cường thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, quản lý chất thải; phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; quản lý, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các công trình cấp nước.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết: Các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN; phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, duy trì trực 24h/24h để kịp thời chỉ đạo khắc phục, xử lý trong mọi tình huống; tổ chức thành công diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện cho cấp xã nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn trong bối cảnh BĐKH. Riêng đối với ngành nông nghiệp, đã tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học) trong xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ sinh học, hướng đến chăn nuôi an toàn và bảo vệ môi trường. Đối với chăn nuôi nông hộ, đã tuyên truyền xây dựng trên 3.000 công trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chánh Văn phòng Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Bắc, thông tin: Tỉnh Sơn La hiện có 179 trạm quan trắc khí tượng thủy văn, trong đó, 49 trạm khí tượng thủy văn quốc gia do Đài KTTV khu vực Tây Bắc quản lý; 35 trạm đo mưa tự động và 5 trạm thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai; 6 trạm khí tượng phục vụ cảnh báo cháy rừng. Ngoài ra, có 43 đập, hồ chứa thủy điện và 27 đập, hồ chứa thủy lợi là đối tượng phải quan trắc khí tượng thủy văn đã lắp đặt thiết bị và thực hiện quan trắc KTTV với 79 trạm thủy văn và đo mưa. Các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện do Đài KTTV khu vực Tây Bắc ban hành. Công nghệ dự báo, cảnh báo thiên tai không ngừng đổi mới, đưa ra những sản phẩm dự báo chính xác, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH, như: Trồng cây ăn quả trên đất dốc, trồng dược liệu, mắc ca, sơn tra... Các mô hình đang phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất. Ngoài ra, giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, phun sương) cho các vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả, cây trồng cạn và rau màu có giá trị kinh tế cao tại các vùng chuyên canh, vừa nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vừa góp phần tiết kiệm nước.

Thực hiện hợp tác quốc tế trong ứng phó BĐKH, giai đoạn 2016-2021, Sơn La được hỗ trợ triển khai một số dự án đem lại hiệu quả cao, điển hình là Dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Sơn La”; Dự án bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp cho nhóm cộng đồng nghèo nhằm ứng phó với BĐKH; Dự án tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương trong ứng phó với BĐKH ở khu vực Tây Bắc Việt Nam (VOF).

Để thích ứng BĐKH, việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, phát triển đô thị, sử dụng tài nguyên, đất đai... của tỉnh cần chú trọng việc hạn chế nguyên nhân BĐKH. Cần có lộ trình thay thế năng lượng gây hại cho môi trường bằng năng lượng xanh, năng lượng thân thiện với môi trường. Khuyến khích tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, công nghệ xanh, đầu tư phát triển năng lượng xanh, sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên trên địa bàn.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-54469