Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Nhiều ngày nay trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa, với lượng trung bình từ hơn 200 đến gần 300 mm, khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng. Hiện, ngành thủy lợi và các địa phương đang khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu nước, bảo vệ an toàn cho các diện tích sản xuất nông nghiệp.

Vận hành Trạm bơm Đông Khê (xã Gia Trung, huyện Gia Viễn).

Vận hành Trạm bơm Đông Khê (xã Gia Trung, huyện Gia Viễn).

Vụ Mùa này, huyện Gia Viễn gieo cấy 2.500 ha lúa, trong đó nhiều trà lúa đang ở giai đoạn ôm đòng, trỗ. Trước diễn biến của mưa lớn, ngành nông nghiệp huyện đang tích cực cùng các địa phương, đơn vị chủ động công tác tiêu nước bảo vệ sản xuất, nhất là tại các vùng úng trũng.

Ông Đinh Mạnh Tình, Phó trưởng Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết: Trưa ngày 9/9, trên địa bàn huyện ghi nhận trên 300 ha lúa bị ngập khoảng 2/3 cây. Trong đó, có 10 ha lúa ở HTX Đại Thắng (xã Gia Hòa) ngập phất phơ. Trước tình hình này, đơn vị đã phối hợp với các HTX vận hành trên 60 máy bơm, thuộc 18 trạm bơm để bơm tiêu thoát nước, bảo vệ an toàn cho sản xuất, nhất là tại các vùng úng trũng.

Đặc biệt, Trạm bơm Gia Viễn vận hành 11/12 tổ máy (tổng công suất 96.000 m3/h). Đây là trạm bơm được ví như "con át chủ bài" về chống úng cho cả một vùng rộng lớn bên tả sông Hoàng Long (gồm 13 xã, thị trấn và khu công nghiệp Gián Khẩu). Chúng tôi tiếp tục phân công lịch trực sản xuất 24/24 giờ đến công nhân viên ở tất cả các trạm bơm cho đến khi thời tiết có diễn có diễn biến tốt hơn.

Huyện Nho Quan có 5.702 ha cây trồng vụ Mùa, trong đó, cây lúa là trên 3 nghìn ha. Hiện nay, trà lúa Mùa sớm đang giai đoạn trỗ bông đến thu hoạch, trà lúa Mùa trung giai đoạn ôm đòng đến trỗ bông; trà lúa mùa muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Cây ngô ở giai đoạn bắp bánh tẻ đến trỗ cờ. Cây lạc trà sớm giai đoạn củ bánh tẻ, trà muộn giai đoạn đâm tia-củ non.

Các diện tích bị ảnh hưởng cục bộ chủ yếu vùng ngoài đê bao. Cụ thể: lúa Mùa bị ngập khoảng trên 90 ha (thuộc các xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Tường, Đức Long, Quỳnh Lưu), ngập cục bộ dưới 0,3-0,5m. Diện tích cây màu bị ngập úng 15,3 ha, chủ yếu là rau đậu, thuộc địa bàn các xã: Xích Thổ, Gia Thủy, Đức Long, Gia Lâm.

Về nuôi trồng thủy sản: Diện tích lúa cá bị ngập 68,4ha, thuộc địa bàn các xã: Xích Thổ, Gia Thủy, Phú Lộc. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 10,9 km đê bao thuộc các xã: Gia Thủy, Gia Sơn, Gia Lâm bị ngập...

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, bảo đảm phòng, chống ngập úng kịp thời trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã sớm chỉ đạo yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động tiêu úng cục bộ, khơi thông dòng chảy ở những trục tiêu nội đồng, mở hết cống tiêu qua đê, cống nội đồng để bảo đảm tiêu úng kịp thời.

Bằng mọi biện pháp tiêu cạn mặt ruộng, kể cả tiêu cưỡng bức, hạn chế tình trạng lúa và hoa màu bị ngập nước. Các địa phương chú trọng giải tỏa kịp thời dòng chảy để đẩy nhanh tiến độ rút nước; tuyên truyền các chủ ao đầm chủ động quây lưới quanh bờ, tránh thất thoát nguồn thủy sản. Chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương thu hoạch diện tích lúa và cây màu vụ Mùa 2022 đến kỳ thu hoạch, diện tích bị ngập úng.

Không chỉ có 2 địa phương trọng điểm là Nho Quan, Gia Viễn, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang ít nhiều chịu ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài.

Theo thống kê sơ bộ, trong tổng số 31.500 ha lúa Mùa của toàn tỉnh, đã có trên 1.000 ha bị ngập úng. Trong đó, ngập phất phơ (3/4 thân cây) là 290 ha (Hoa Lư 209 ha, thành phố Ninh Bình 58ha, Kim Sơn 23ha), ngập 2/3 thân cây là 753 ha (Nho Quan 70 ha, Gia Viễn 339 ha, Hoa Lư 275 ha, thành phố Ninh Bình 69 ha).

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại xảy ra đối với sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã thực hiện thông báo và xả lũ tại các hồ chứa: Thác La, Đồng Chương (huyện Nho Quan), Yên Thắng (huyện Yên Mô). Đồng thời, vận hành 132 máy bơm tiêu/36 trạm; mở tiêu úng và nước đệm ở 78 cống dưới đê...

Vận hành trạm bơm Gia Viễn.

Theo dự báo từ trước đó, từ đêm 8/9 đến ngày 10/9, trên các sông thuộc khu vực tỉnh Ninh Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 - 3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng ở mức báo động III (4,00 m), sông Đáy tại Ninh Bình ở mức báo động I (2,50m). Cảnh báo, đợt lũ này kết hợp với triều cường có khả năng gây ra ngập úng tại các vùng trũng thấp, vùng cửa sông ven biển, khu đô thị,... sạt lở đất đá ở vùng núi của khu vực tỉnh Ninh Bình. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm văn bản số 74/BCH-VP ngày 9/9/2022 về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập úng tại các vùng trũng thấp và lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy; triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo đúng quy định.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diến biến thời tiết, sau khi tiêu thoát nước, có biện pháp chăm sóc rau màu, bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển tốt. Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đối tượng thủy sản khi mưa kéo dài nhiều ngày,...

Nguyễn Lựu - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-dong-tieu-ung-bao-ve-san-xuat-nong-nghiep/d20220909192634302.htm