Chủ động triển khai áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng 2024
Ngày 18/1/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 với kỳ vọng giúp lành mạnh hóa hoạt động của TCTD thông qua các yêu cầu cao về quản trị, điều hành tiệm cận thông lệ quốc tế, các quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế thao túng, chi phối TCTD, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của TCTD, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống TCTD theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội; đồng thời tạo điều kiện cho các TCTD phát triển đa dạng, hiện đại các hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Luật Các TCTD có nhiều quy định mới tác động sâu rộng đến cả hoạt động của các TCTD và khách hàng vay vốn. Trong đó, đáng chú ý là quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo hướng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và sửa đổi, bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên. Điều này sẽ giúp tăng năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của TCTD, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn tại TCTD. Luật Các TCTD cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng nhỏ lẻ. Những thay đổi này sẽ giúp giảm quy trình thủ tục, đa dạng hóa hoạt động của các TCTD, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về cấm các TCTD, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung một số hoạt động mới phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế như: Hoạt động ngân quỹ, thư tín dụng, bao thanh toán, đại lý quản lý tài sản... Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Luật Các TCTD đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu… Đồng thời, Luật cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhưng không luật hóa tại Luật Các TCTD, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.
Nhằm nâng cao sự hiểu biết và sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Luật, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các TCTD, đồng thời thông qua mạng lưới hoạt động và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Luật; truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ, chính xác về các chính sách, sản phẩm dịch vụ của đơn vị đến người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên thông tin, nâng cao nhận thức của khách hàng trước những rủi ro an ninh mạng, hoạt động gian lận, lừa đảo trên không gian mạng; cảnh báo kịp thời các phương thức, thủ đoạn gian lận, lừa đảo của tội phạm công nghệ cao; hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn, đúng quy định của pháp luật. Tích cực triển khai các chương trình truyền thông về giáo dục tài chính nhằm trang bị cho người dân các kiến thức, kỹ năng giao dịch tài chính an toàn, qua đó tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần đẩy mạnh tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh. Tích cực truyền thông các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân như chính sách về lãi suất; chính sách cho vay nhà ở theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Thống đốc… để doanh nghiệp, người dân biết, chủ động tiếp cận các ngân hàng để được thụ hưởng chính sách.
Đến nay, các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai các quy định liên quan đến hoạt động thanh toán, trong đó việc hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng đăng ký, sử dụng dịch vụ xác thực bằng sinh trắc học bước đầu đạt kết quả. Đến cuối tháng 7/2024, khách hàng đăng ký, sử dụng thành công thông tin xác thực sinh trắc học, đạt 22,4% tổng số khách hàng đăng ký chuyển tiền trực tuyến. Trong tháng 8/2024, NHNN tỉnh đã thực hiện 1 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ứng dụng di động liên quan đến tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Nam Định. Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đối với 97 khách hàng, với tổng giá trị nợ được cơ cấu lại lũy kế 782,1 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ổn định. Tổng nguồn vốn huy động đạt 127.100 tỷ đồng, tăng 6.285 tỷ đồng (5,2%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay 112.170 tỷ đồng, tăng 8.596 tỷ đồng (8,3%) so với đầu năm. Nợ xấu đến hết ngày 31/7/2024 là 470 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,42% tổng dư nợ cho vay, thấp hơn nhiều so với quy định của NHNN.
Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt nội dung Luật Các TCTD đến lãnh đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, nhân viên trong hệ thống nắm vững Luật. Chủ động nắm bắt các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, rà soát, đối chiếu văn bản quy định nội bộ hiện hành để áp dụng nhanh và đúng. Chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện kế hoạch triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Tích cực triển khai kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng cường công tác tín dụng, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.