Chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, nền nhiệt độ vụ đông xuân 2020-2021 có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 1 đến tháng 3/ 2021, không khí lạnh hoạt động mạnh hơn về cường độ, mỗi tháng ở khu vực tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng của 3-5 đợt không khí lạnh, tình trạng rét, rét đậm, rét hại sẽ xảy ra với tần suất lớn và kéo dài đến cuối tháng 2/2021.

 Tập trung cải tạo ruộng đồng, khôi phục sản xuất sau thiên tai - Ảnh: H.N.K

Tập trung cải tạo ruộng đồng, khôi phục sản xuất sau thiên tai - Ảnh: H.N.K

Để chủ động trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện các giải pháp khôi phục sản xuất sau thiên tai, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết và dịch bệnh, UBND tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đồng bộ các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo thúc đẩy nhanh công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân mà trọng tâm là triển khai sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 nhằm đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống Nhân dân.

Trước mắt là tập trung cải tạo, phục hồi 1.359 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 584 ha đất lúa, 775 ha đất hoa màu bị bồi lấp để kịp đưa vào sản xuất ngay từ vụ đông xuân này. Về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp xử lý, sử dụng phù hợp đối với 187 ha bị bồi lấp bởi cát, sỏi, đá không thể canh tác nông nghiệp. Theo kế hoạch vụ đông xuân 2020 - 2021 toàn tỉnh gieo cấy 25.500 ha lúa, 4.000 ha ngô, 3.000 ha lạc, 10.500 ha sắn và trên 4.000 ha rau đậu các loại, nhưng theo báo cáo từ các địa phương đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn giống cho sản xuất. Toàn tỉnh hiện nay cần 2.000 tấn lúa giống, 80 tấn ngô, 20 tấn rau các loại, 17.500 tấn hom giống sắn, 600 tấn lạc giống... Tính đến đầu tháng 1/2021, Trung ương đã hỗ trợ khẩn cấp 5 tấn ngô giống, 5 tấn rau giống; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương 83,5 tấn lúa giống, 4 tấn ngô giống. Tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.000 tấn lúa giống, 80 tấn ngô, 15 tấn rau giống và dự kiến Trung ương sẽ hỗ trợ 1.000 tấn lúa giống, 80 tấn ngô, 10 tấn rau giống. Từ nguồn lúa giống và hoa màu hiện có, dự kiến sẽ phân bổ hỗ trợ 123,4 tấn lúa giống chất lượng cao để các địa phương như Vĩnh Linh: 35 tấn, Gio Linh: 45 tấn, Triệu Phong: 35 tấn, Cam Lộ: 5 tấn, thị xã Quảng Trị 3,4 ha để xây dựng vùng lúa chất lượng cao. Ngoài ra, để mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đã xác định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND, ngành nông nghiệp tỉnh chấp thuận cho nông dân đưa vào canh tác một số giống lúa chất lượng cao đã được người dân trên địa bàn tỉnh sản xuất có hiệu quả cao nhưng không có trong danh mục hỗ trợ từ nguồn của Trung ương nhằm giúp các địa phương duy trì diện tích canh tác lúa chất lượng cao tạo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch của tỉnh. Hỗ trợ 200 tấn giống lạc, 4.450 tấn giống hom sắn cho các địa phương còn thiếu hụt nguồn giống.

Về chăn nuôi, từng bước khôi phục tổng đàn gia súc, trong đó đàn lợn 243.000 con, trâu bò 81.600 con. Trước mắt hỗ trợ nguồn giống để nhanh chóng khôi phục lại đàn gia cầm khoảng 3,3 triệu con kịp phục vụ nhu cầu trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu bởi chu kỳ nuôi ngắn. Hiện nay, các hộ chăn nuôi có nhu cầu cần 1.000.000 con giống gia cầm, 8.000 con giống gia súc các loại và cần khoảng 100.000 con lợn giống để khôi phục lại đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trước mắt Trung ương và các chương trình, dự án hỗ trợ 243.000 giống gia cầm (223.000 con gà, 2.000 con ngan; 8.000 con vịt biển; 10.000 con vịt thịt) nuôi thịt để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do mưa lũ; hỗ trợ 30.000 lít hóa chất (Bencocid: 15.000 lít; Vetvaco-Iodine: 15.000 lít) để xử lý môi trường chăn nuôi; hỗ trợ 105 tấn Chlorine 65% để xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Để kịp thời tiếp nhận 220.000 con gia cầm 1 ngày tuổi do Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ, tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí để úm gà đạt 21 ngày, đảm bảo chất lượng con giống cấp cho người dân phục hồi sinh kế sau thiên tai.

Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, ngành nông nghiệp chủ động triển khai nhiều giải pháp để tiến hành sửa chữa, củng cố bờ bao, hệ thống kênh cấp, tiêu nước…thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng ao nuôi trước khi sản xuất trở lại. Tiến hành tu sửa, nạo vét kênh mương các công trình cấp và thoát nước các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đảm bảo cấp nước và thoát nước có hiệu quả. Hiện nay, để khôi phục nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh có nhu cầu khoảng 1.880 kg cá bố mẹ, 11,83 triệu con cá giống, 277,2 triệu con tôm giống và khoảng 208 tấn hóa chất xử lý môi trường nuôi tôm. Cuối tháng 11/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ và tổ chức thả 1.200 kg cá bố mẹ gồm cá trắm, chép, rô phi tại Trung tâm Giống thủy sản Quảng Trị; HTX cá giống Đô Lương và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ 200 kg cá giống (trắm, trôi, mè, chép) tương đương 4.000 con đã thả vào đầu tháng 12/2020 tại HTX Long Hưng (Hải Lăng) và xã Cam Thủy (Cam Lộ). Ngoài ra ngành nông nghiệp cũng đã chủ động khôi phục đàn cá bố mẹ hậu bị, phấn đấu năm 2021 sản xuất được 12-15 triệu con cá giống, đáp ứng 50% nhu cầu giống toàn tỉnh. Trong thời gian tới, sau khi đã cải tạo được môi trường nuôi, phân bổ nguồn giống Trung ương hỗ trợ 10 triệu tôm giống, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất Trung ương hỗ trợ và huy động nguồn lực các chủ nuôi tôm để bổ sung thêm nguồn giống tôm nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là khôi phục cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm cửa sông, phấn đấu năm 2021, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 1.200 ha. Mặt khác là chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong công tác khôi phục sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Đối với lâm nghiệp, khẩn trương khôi phục các công trình hạ tầng lâm sinh bị hư hỏng do thiên tai để tiếp tục triển khai trồng rừng đạt kế hoạch 7.500 ha. Đồng thời tranh thủ thời tiết để khai thác các diện tích rừng phòng hộ chuyển đổi sang sản xuất và rừng đã đến chu kỳ khai thác, phấn đấu sản lượng khai thác đạt trên 1 triệu m3 . Thực hiện hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng đạt 389,754 ha. Ổn định và phát triển sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp sau lũ lụt, đạt khoảng 20 triệu cây đảm bảo chất lượng đủ nguồn cung cho trồng rừng và chăm sóc rừng trồng, trong đó ưu tiên mở rộng diện tích sử dụng giống nuôi cấy mô phấn đấu đạt 10%-20% diện tích trồng mới trong năm 2021. Bên cạnh đó là tăng cường bảo vệ, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật lâm nghiệp, chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ hiện có để nâng cao tính đa dạng sinh học và bền vững hệ sinh thái rừng, phòng chống sạt lở đất, lũ quét...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là quyết liệt triển khai các giải pháp để khôi phục nền sản xuất nông nghiệp vốn bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Bên cạnh việc kêu gọi các nguồn lực đầu tư của Trung ương để sửa chữa hạ tầng nông nghiệp hỗ trợ sản xuất là tập trung tái cơ cấu sản xuất; nỗ lực huy động đủ lượng giống lúa và hoa màu đảm bảo sản xuất kịp lịch thời vụ. Về nuôi trồng thủy sản chỉ thực hiện nuôi khi có đủ điều kiện về ao hồ đã được chuẩn bị kỹ và cải tạo tốt. Đề nghị chính quyền các địa phương ưu tiên nguồn lực trong kinh phí Trung ương hỗ trợ khẩn cấp đã được bố trí để khắc phục các công trình bị hư hỏng do địa phương quản lý. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án hoàn thiện hạ tầng hậu cần nghề cá; khuyến khích ngư dân ra quân đánh bắt hải sản. Chủ động triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp để quyết tâm thu được vụ đông xuân thắng lợi.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154721