Chủ động trước chiến lược đưa châu Á trở thành địa chính trị hàng đầu

Người ta ví châu Á đầu thế kỷ XXI khá giống với nước Mỹ đầu thế kỷ XX, một gã khổng lồ về kinh tế nhưng có vị thế chính trị nhỏ bé hơn nhiều. Nhưng đến cuối thế kỷ XX Mỹ đã trở thành cường quốc số 1 thế giới. Qua thời gian 1/5 của thế kỷ XXI, siêu cường Mỹ nhận ra Trung Quốc đã thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang hướng tới nắm quyền lực cao hơn trên vũ đài quốc tế, thậm chí đe dọa ví trí số 1 của Mỹ. Khu vực Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng cùng với Đông Bắc Á và khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Hơn nữa có những cơ hội cho châu Á khi Mỹ đang tự tạo ra 'khoảng trống lãnh đạo' do việc từ bỏ nhiều cam kết về thương mại, biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19… Đây là dịp để chính châu Á tự lấp 'khoảng trống' này. Hiệp định kinh tế thương mại RCEP được ký kết tháng 11/2020 gồm các nước châu Á - Thái Bình Dương lớn nhất thế giới, chắc chắn Trung Quốc cùng các nước Bắc Á, ASEAN sẽ có bước phát triển mới, trong đó Trung Quốc nổi lên trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, quân sự đến công nghệ cao…

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ đến Singapore và Việt Nam thời gian qua thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với châu Á

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ đến Singapore và Việt Nam thời gian qua thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với châu Á

Thế là Mỹ và Trung Quốc trở thành đối đầu, không loại trừ nguy cơ xung đột Mỹ -Trung. Các nước châu Á, tiêu biểu là Nhật Bản tìm mọi cách để tạo thế cân bằng trước nguy cơ này. Vốn là điểm neo trong hệ thống liên minh với Mỹ ở châu Á, nên từ những năm 2017, 2018 lại nay Nhật Bản đã từng bước điều chỉnh quan hệ Trung - Nhật để tránh việc Nhật Bản trở thành trận địa của xung đột Trung - Mỹ.

Khi Nhật Bản đi nước cờ tìm kiếm sự cân bằng, thì các nhà đầu tư cũng thấy rằng cần tiến hành tìm kiếm bến đậu mới an toàn. Điều đáng chú ý là điểm đến của đợt chuyển dịch này phần lớn nằm trong nội địa châu Á, kể đến nhiều nhất là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Trong đó, ba nước Việt Nam, Thái Lan, Malaysia được nhắc đến nhiều hơn vì giỏ hàng xuất khẩu khá giống với Trung Quốc và có mức lương thấp lại có môi trường đầu tư an toàn. Nhờ vậy dòng chảy đầu tư này cho thấy xu thế “thế kỷ châu Á” đã hình thành, bởi dòng đầu tư chảy ra khỏi Trung Quốc, nhưng điểm đến chủ yếu vẫn là các nước châu Á.

Các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, nhiều nước ở châu Á tuy không giàu như Mỹ, Anh hay các nước phương Tây, nhưng họ đã giải quyết nhiều vấn đề xã hội tốt hơn, bởi do yếu tố văn hóa, sự coi trọng giá trị cộng đồng hơn là đề cao tự do cá nhân, đề cao kinh tế… Chắc chắn sau khi xử lý đại dịch COVID-19, châu Á sẽ quay sang các mục tiêu quan trọng khác cùng với mục tiêu kinh tế như vấn đề xã hội, môi trường... Theo Giám đốc quản lý rủi ro, thiên tai và biến đổi khí hậu P. Phan-đa-ri, năm 2022 là năm “tham vọng về khí hậu”, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình dương đang đi đầu.

Châu Á có vai trò quan trọng trước biến đổi khí hậu toàn cầu, nên nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này sẽ đa phần chảy vào châu Á. Từ nay đến năm 2050 dự báo có khoảng 1,6 ngàn tỷ USD vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho lĩnh vực này, thì có 1,2 ngàn ở châu Á chiếm 75%; có 4-6 ngàn tỷ USD cho rủi ro do thiệt hại về môi trường thì châu Á chiếm từ 2,8-4,7 ngàn tỷ. Điều này nói lên nếu châu Á có hành động thích hợp để tiếp nhận và sử dụng tốt thì sẽ có thêm cơ hội có được một lượng tài sản và cơ sở hạ tầng bổ sung đáng kể cũng như điều kiện đào tạo nguồn nhân lực thích ứng

Như vậy, xét về cục diện và những điều kiện khả thi của sự phát triển hiện tại, cũng như tổng quan về kinh tế và những ưu thế về địa chính trị và xã hội, năng lực và khả năng đón đầu kể cả cuộc cách mạng công nghệ mới và thu hút nguồn dầu tư của thế giới thì châu Á đang là “mô hình cho hứa hẹn của tương lai thế giới”. Điều này khiến phương Tây bừng tỉnh nhận ra họ không còn là những nước duy nhất có sức mạnh, họ cũng không còn là những nước duy nhất giàu có và đi đầu trên lĩnh vực công nghệ mới. Trên thực tế nhiều nước châu Á đã và sẽ chiếm vị thế quan trọng trên trường quốc tế, mà ở đây cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc với các kịch bản khác nhau nhưng chắc chắn sẽ là chủ đề xuyên suốt của địa chính trị toàn cầu, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của châu Á.

Khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 3.2021 đã công bố chiến lược an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các quốc gia châu Á để đối phó với Trung Quốc. Trong chiến lược tập hợp lực lượng ở châu Á, Mỹ đánh giá Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong vấn đề biển Đông và vị thế trong khối ASEAN. Mỹ cho rằng, uy tín và tiếng nói của Việt Nam ở ASEAN là rất lớn. Còn cầu nối hai đại dương Thái Bình dương - Ấn Độ dương thì Ấn Độ, Việt Nam và Singapore là những nước có vị thế quan trọng vào bậc nhất. Bởi vậy cuối tháng 7.2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến đi thăm Ấn Độ đầu tiên kể từ khi nhậm chức với đa mục tiêu, nhưng tựu trung là nhằm triển khai chiến lược “Thái Bình dương - Ấn Độ dương tự do và rộng mở”, khuyến khích Ấn Độ tham gia sâu hơn vào “nhóm bộ tứ”, đưa quan hệ Mỹ - Ấn trở thành nhân tố kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, để Mỹ sẽ đứng chân ngày càng sâu hơn hiệu quả hơn vào châu Á.

Cuối tháng 8.2021 lại có chuyến thăm đặc biệt của Phó Tổng thống Mỹ Kamerla Harris dành cho hai nước Singapore và Việt Nam. Chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Mỹ đến hai quốc gia này ngoài ý nghĩa ngoại giao thông thường, thì ẩn sau còn có ý nghĩa địa chính trị trong tính toán chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Qua đây ta thấy chính quyền Mỹ đang hết sức quan tâm đến việc bố trí chiến lược ở khu vực này mà đối tượng hàng đầu là nhằm vào Trung Quốc. Cho nên chuyến đi thăm của Bộ trưởng Ngoại giao và của Phó Tổng thống Mỹ tới ba nước Ấn Độ, Việt Nam và Singapore trong hai tháng qua mang đậm dấu ấn địa chính trị, chiến lược toàn cầu của Mỹ đang hướng về châu Á Thái Bình dương - Ấn Độ dương trong thế kỷ XXI.

Điều này đã được Đảng ta dự báo trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới yêu cầu mới nặng nề hơn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trước sự diễn biến của tình hình hiện nay trên thế giới và ở châu Á đòi hỏi chúng ta cần nắm bắt chính xác để kịp thời và chủ động ứng phó trước mọi tình huống theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững định hướng phát triển, vận dụng cơ hội đưa đất nước tiếp tục tiến lên, phát triển nhanh và bền vững; “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”.

TS. Đặng Duy Báu

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/quoc-te/202109/chu-dong-truoc-chien-luoc-dua-chau-a-tro-thanh-dia-chinh-tri-hang-dau-782162/