Chủ động trước quyết định giảm lãi suất của FED

Quyết định giảm lãi suất của Fed ngay lập tức đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán cũng như giá vàng thế giới; đồng thời cũng gây áp lực nhất định đối với tỷ giá của Việt Nam trong tương quan với đồng tiền khác...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Rạng sáng 1/8/2019 giờ Hà Nội, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo hạ lãi suất cho vay qua đêm chuẩn 25 điểm cơ bản xuống còn 2-2,25%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 Fed thực hiện cắt giảm lãi suất. Theo các nhà phân tích, mặc dù thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh và kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức độ vừa phải, nhưng do lạm phát tại Mỹ vẫn ở dưới mức mục tiêu 2% và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại nên Fed cắt giảm lãi suất để thúc đẩy lạm phát tăng tốc đạt mục tiêu cũng như đạt trạng thái toàn dụng lao động.

Việc giảm lãi suất lần này của Fed không nằm ngoài dự đoán của thị trường, cả về thời điểm lẫn mức độ. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, động thái giảm lãi suất của Fed được nhận định là điều sớm muộn gì cũng phải xảy ra. Sở dĩ như vậy là bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm rất rõ, thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh. Nguyên nhân do người dân tỏ ra bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế nên xu hướng tiết kiệm tăng lên, không dám chi tiêu, tiêu dùng giảm đi, dẫn đến thương mại toàn cầu giảm.

Yếu tố nữa khiến thương mại toàn cầu yếu là chiến tranh thương mại. “Những căng thẳng thương mại và tình trạng bất ổn kéo dài đang làm giảm sút sức khỏe nền kinh tế thế giới”, vị này tỏ ra quan ngại. Tất cả những điều đó cũng tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ. Theo đó đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có xu hướng chậm lại, từ mức tăng3,2% trong quý I/2019 xuống còn 2,5% trong quý II/2019.

Quyết định giảm lãi suất của Fed ngay lập tức đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán cũng như giá vàng thế giới; đồng thời cũng gây áp lực nhất định đối với tỷ giá của Việt Nam trong tương quan với đồng tiền khác.

“Đáng lý việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD giảm giá, thế nhưng đồng bạc xanh lại bật tăng lên cao nhất 2 năm so với đồng euro và cao nhất 2 tháng so với yên Nhật sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố, chu kỳ nới lỏng sẽ không kéo dài. Đồng bạc xanh tăng giá mạnh đã tạo sức ép đến tỷ giá trong nước”, một chuyên gia cho biết. Chưa kể, việc Fed giảm lãi suất có thể khiến gần như quốc gia nào cũng muốn nới lỏng tiền tệ, tăng cung tiền, dẫn tới nguy cơ lạm phát trong dài hạn.

Trong bối cảnh đó, theo khuyến nghị của vị chuyên gia trên, Việt Nam cần phải có đối sách trong trung hạn không để lạm phát tăng cao. Lạm phát tăng cao trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng tốt không phải quá lo lắng, nhưng lạm phát trong thời kỳ kinh tế suy giảm sẽ dẫn tới lạm phát đình đốn. TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý và chia sẻ thêm: Tôi đã kiến nghị trong cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia là chúng ta cần phải linh hoạt về tỷ giá hối đoái hơn nữa. Muốn ổn định cung tiền mà giữ tỷ giá ổn định thì mức độ can thiệp của NHNN vào tỷ giá hối đoái phải linh hoạt hơn.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu thì tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, động thái giảm lãi suất của Fed tác động đến Việt Nam không nhiều. Thị trường vàng, thị trường bất động sản có thể vẫn sẽ duy trì được sự ổn định. Đối với tỷ giá, sẽ làm giảm áp lực phá giá tiền đồng, điều đó cũng tạo sự ổn định cho tiền đồng.

Còn theo phân tích của BVSC, động thái mới nhất của Fed sẽ khiến NHTW của những thị trường mới nổi phải thận trọng hơn trong các quyết định về lãi suất trong tương lai. Tại Việt Nam, vào cuối tuần, NHNN cũng đã cắt giảm lãi suất tín phiếu 0,25 điểm phần trăm từ mức 3% về mức 2,75%. Động thái này được nhiều nhà đầu tư đánh giá là một động thái nới lỏng tiền tệ hợp lý. Bởi trong bối cảnh cả thế giới đang rục rịch nới lỏng, nếu Việt Nam không theo xu hướng đó, thương mại quốc tế sẽ thiệt thòi.

Tuy nhiên theo đánh giá của BVSC, khác với NHTW các nước phát triển, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thiên nhiều về trần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng M2 chứ không điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất. Cơ chế lan truyền từ lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn đến lãi suất cho vay trên thị trường cũng rất hạn chế. Chưa kể thanh khoản hệ thống, dù dư thừa được thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp nhưng không đại diện cho toàn bộ hệ thống.

Dẫu vậy, điều chỉnh trên cũng đã được thị trường “hấp thụ” tương đối tốt và thị trường lãi suất đang đón nhận tín hiệu tích cực. Cụ thể, cuối chiều ngày 31/7/2019, cả 4 NHTM Nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm đều áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn bằng VND từ 1/8/2019 đến hết năm 2019. Nhóm đối tượng khách hàng được thụ hưởng là các DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo xác định của Chính phủ và NHNN. Ngoài ra, một số ngân hàng mở rộng thêm nhóm DN ứng dụng công nghệ cao và khởi nghiệp như Vietcombank…

Lần giảm lãi suất này đưa mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 5,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Hiện tại các ngân hàng cổ phần cũng đang tích cực tham gia đợt giảm lãi suất này như sáng ngày 1/8, VPBank công bố giảm thêm 1% lãi suất cho vay đối với DNNVV, hay ACB có gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho DNNVV với lãi suất 7,5%/năm.

Với các diễn biến hiện tại, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất ở Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, tuy nhiên khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chu-dong-truoc-quyet-dinh-giam-lai-suat-cua-fed-90641.html